- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã đề ra nhiều nhóm giải pháp thực hiện. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở cơ sở thì vai trò của bí thư chi bộ cực kỳ quan trọng. Để phát huy vai trò của bí thư chi bộ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, thực hiện nghiêm túc các quy định về nêu gương để phát huy vai trò gương mẫu trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên.
Bí thư chi bộ phải thực sự gương mẫu. Gương mẫu mọi lúc, mọi nơi, ở cơ quan, đơn vị và ở khu dân cư nơi cư trú. Gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong việc chấp hành các quy chế, quy định của Ngành, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Luôn kiên định lập trường cách mạng, bảo vệ Đảng, chế độ. Bí thư chi bộ phải thực sự là đầu mối tạo sự đoàn kết, nhất trí trong chi bộ, sự thống nhất và gắn kết giữa các đảng viên, giữa chi bộ với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, nhằm tránh sự chia bè phái, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ, chống đối trong nội bộ chi bộ, cơ quan, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
Khi bí thư chi bộ thực sự hết lòng vì công việc, gương mẫu, trách nhiệm, công tâm, khách quan, lại có năng lực quản lý giỏi, kiên quyết đấu tranh thì chắc chắn hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng rất khó xảy ra, nếu có xảy ra thì sớm được phát hiện và xử lý nghiêm khắc, triệt để. Người bí thư chi bộ có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, kiên quyết đấu tranh chống thói cá nhân, ích kỷ, ham chơi hưởng thụ, thì hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên cũng khó có cơ hội phát triển.
Hai là, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức hoạt động, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách
Bí thư chi bộ phải lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng Quy chế làm việc của chi bộ ngay sau khi Đại hội theo nhiệm kỳ, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định, hướng dẫn mới của cấp ủy cấp trên. Đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế làm việc. Các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ phải được bàn bạc dân chủ, quyết định theo đa số, khi đã thành nghị quyết phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi đảng viên để tổ chức thực hiện; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện; định kỳ có kiểm điểm, đánh giá, qua đó phát huy kết quả đạt được, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện.
Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt chuyên đề về công tác tư tưởng hằng tháng và sinh hoạt chuyên đề về công tác chuyên môn theo định kỳ; Bí thư chi bộ phải biết khơi gợi, tạo điều kiện cho mỗi đảng viên để phát huy hết khả năng, thế mạnh của mỗi mình trong việc đóng góp ý kiến cho tập thể chi bộ, đơn vị trong công tác xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bí thư chi bộ phải biết tập hợp và sử dụng người giỏi hơn mình, biết phát huy cái giỏi của người khác, sức mạnh của người khác.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Bí thư chi bộ phải xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên của chi bộ, của mỗi cá nhân, gắn với chống suy thoái về tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong việc học tập và làm theo cần chú trọng đề ra các công việc làm theo sát với chức trách, nhiệm vụ của chi bộ, của mỗi đảng viên; có kiểm điểm, đánh giá hằng tháng; chú trọng bình xét, biểu dương những cá nhân có việc làm tốt, ngược lại cũng nghiêm túc phê bình đối với cá nhân thực hiện chưa tốt công việc đăng ký làm theo. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm trong cơ quan, đơn vị.
Bốn là, Bí thư chi bộ cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng
Công tác tư tưởng nhằm phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong chi bộ. Bí thư chi bộ cần chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề tư tưởng hằng tháng, định hướng công tác tư tưởng cho đảng viên; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên trong chi bộ; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Năm là, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của đảng
Chú trọng công tác quán triệt các quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, nâng cao nhận thức của đảng viên, nhất là bí thư chi bộ về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát hằng năm, bám sát chương trình toàn khóa, hướng dẫn của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên và yêu cầu nhiệm vụ hằng năm, tập trung kiểm tra, giám sát đối với đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nhiệm vụ được phân công, nghị quyết của chi bộ, việc tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; việc thực hiện các bản đăng ký nêu gương, bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm./.
Nguyễn
Mạnh Tuấn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.