Viện kiểm sát nhân dân Hải Dương thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng công tác THQCT và KSXX án hình sự

Thứ ba - 17/07/2018 23:29

Viện kiểm sát nhân dân Hải Dương thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng công tác THQCT và KSXX án hình sự

Công tác thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử (THQCT và KSXX ) án hình sự  là một trong những khâu quan trọng của ngành Kiểm sát khi thực hiện chức năng THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp theo Hiến Pháp 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ( VKSND) năm 2014.

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 09/ CT-VKSTC ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa,  VKSND tỉnh Hải Dương đã  có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng công tác THQCT và KSXX án hình sự, nhất là nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử án hình sự.

Trong Kế hoach, chương trình, hướng dẫn công tác mỗi năm đều chỉ rõ những Kiểm sát viên được phân công THQCT và KSXX mỗi vụ án đều phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc chứng cứ và những quy định pháp luật liên quan, chuẩn bị dự thảo Luận tội, bài phát biểu, đề cương xét hỏi, dự kiến những tình huống phát sinh tại phiên tòa, dự kiến tranh luận, tại phiên tòa Kiểm sát viên  trên cơ sở xét hỏi tại phiên tòa và kết quả nghiên cứu hồ sơ  đề nghị giải quyết vụ án đúng người đứng tội, đúng pháp luật, thực hiện đầy đủ theo quy chế nghiệp vụ của ngành, đây là vấn đề căn bản  để đảm bảo nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa;

Hàng năm VKSND tỉnh đã tổ chức  nhiều đoàn kiểm tra, hướng dẫn đối với các đơn vị 2 cấp nhằm đánh giá, kiểm tra kiến thức nhận thức, rút kinh nghiệm và hướng dẫn các Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ và thực hiện quy chế nghiệp vụ; tổ chức nhiều cuộc thi nghiệp vụ như: cuộc thi Chúng tôi là Kiểm sát viên,  Thi tìm hiểu BLHS, BLTTHS 2015, Thi tìm hiểu quy chế nghiệp vụ.... các cuộc thi diễn ra đòi hỏi mỗi KSV phải nghiên cứu học tập nắm vững  các quy định mới của BLHS, BLTTHS 2015, Quy chế nghiệp vụ và các văn bản hướng dẫn, đã mang nhiều bổ ích và trang bị nhiều kiến thức để mỗi cán bộ, Kiểm sát viên nâng cao trình độ, kến thức, thực hiện nhuần nhuyễn trong thực tế  công tác.

VKSND tỉnh đã xây dựng nhiều chuyên đề đúc rút từ thực tiễn để trang bị cho các Kiểm sát viên những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết như : chuyên đề giải pháp và   kinh nghiệm khắc phục hạn chế nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của VKSND tỉnh Hải Dương;  Một số kinh nghiệm THQCT và KSXX án hình sự  thông qua các vụ án cải sửa hủy; Nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm....; các chuyên đề được triển khai thực hiện trong toàn ngành và hàng năm đều sơ kết, tổng kết việc thực hiện chuyên đề đánh giá , bổ sung đảm bảo hiệu quả trên thực tế.

Một trong những giải pháp hiệu quả để trang bị cho các Kiểm sát viên các kỹ năng, kiến thức,  kinh nghiệm cần thiết để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh  phối hợp với Tòa án Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Từ 2016 đến nay, hai cấp Kiểm sát tỉnh Hải Dương đã tổ chức 440 phiên tòa / tổng số 2810 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm để rút kinh nghiệm, không chỉ tổ chức rút kinh nghiệm nội bộ và rút kinh nghiệm mở rộng, mà đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm truyền hình trực tuyến đến 27 điểm cầu trong toàn tỉnh (gồm điểm cầu phòng xử án, 26 điểm cầu tại hội trường  VKSND, Tòa án nhân dân tỉnh và   huyện TP, TX)  để các Điều tra viên, Kiểm sát viên  và Thẩm phán 2 cấp theo dõi học tập rút kinh nghiệm. (điển hình như phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Linh và  6 đồng phạm phạm tội Giết người, xét xử ngày 3,4/7/2018 tại TAND tỉnh Hải Dương vừa qua). Thực hành quyền công tố tại các phiên tòa rút kinh nghiệm  không chỉ  là các Kiểm sát viên mới bổ nhiệm thực hiện  mà còn các Kiểm sát viên lâu năm, các Kiểm sát viên giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Viện trưởng, Phó viện trưởng cấp huyện, sau phiên tòa đều tổ chức rút kinh nghiệm với nhiều nội dung thực tế  đã đem lại nhiều  kinh nghiệm, bài học sâu sắc, bổ ích cho Kiểm sát viên thực hiện và người tham dự, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

BLTTHS 2015 có hiệu lực pháp luật từ 01.01.2018, khác với BLTTHS năm 2003 chưa quy định về tranh tụng, chỉ có tranh luận khi VKS luận tội, thì  Mục III chương XXI BLTTHS 2015 quy định rõ thủ tục tranh tụng tại phiên tòa từ khi VKS đọc cáo trạng kết thúc sau khi bị cáo nói lời cuối cùng, như vậy trong suốt quá trình xét hỏi, tranh luận luôn luôn có sự tranh tụng để làm rõ sự thật mọi tình tiết của vụ án. Đòi hỏi Kiểm sát viên THQCT và KSXX tại phiên tòa cần có trình độ cao hơn, nghiên cứu hồ sơ sâu sắc hơn, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, sự linh hoạt xử lý tình huống và khả năng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa cần nâng cao hơn. Yếu tố năng lực, kỹ năng của mỗi Kiểm sát viên  là một trong những yếu tố hàng đầu để nâng cao chất lượng công tác THQCT và KSXX,  việc tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm đã đem lại cho các KSV một phần  không nhỏ những  kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng cần thiết nâng cao năng lực  của mỗi Kiểm sát viên.

 
Hình ảnh: Kiểm sát viên Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử tại một phiên tòa tổ chức rút kinh nghiệm.

Một nội dung quan trọng trong THQCT, KSXX án hình sự mà ngành Kiểm sát Hải Dương luôn coi trọng là thực hiện tốt Chỉ thị số 08/ CT-VKSTC ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục tăng cường kháng nghị án hình sự, Lãnh đạo VKS đã chỉ đạo các  Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát chặt chẽ việc ra bản án của Tòa án, kịp thời phát hiện những vi phạm của các bản án để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm.  Trong thời gian năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 VKSND hai cấp đã  kháng nghị phúc thẩm 78 vụ/98 bị cáo,  trong đó số kháng nghị là án ma túy 44 vụ/ 50 bị cáo ( do quan điểm tính trọng lượng ma túy của Tòa án không đúng). Số kháng nghị phúc thẩm không liên quan đến quan điểm về tính trọng lượng ma túy  đều được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận với tỷ lệ cao. Đối với vụ án  liên quan quan điểm tính ma túy không được chấp nhận, VKSND tỉnh Hải Dương đã báo cáo đề nghị VKSND cấp cao xem xét theo trình tự giám đốc thẩm thể hiện rõ quan điểm đúng của ngành và quan điểm đó đã được Quốc hội thống nhất chỉ đạo thực hiện tại Nghị quyết số: 41/2017/QH 14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội, đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Tóm lại trong những năm qua VKSND tỉnh Hải Dương đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp để công tác thực hành quyền công tố và KSXX án hình sự, ngày càng  hoàn thiện và nâng cao, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong công tác tác đấu tranh phòng chống tội phạm theo BLTTHS 2015, góp phần thành công vào mục tiêu cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước đã đề ra ./.

                                                                                                 Phạm Thị Yến
Phòng 7 VKSND tình Hải Dương
.
 
 
 
 
 
 
 
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây