- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có đủ phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn, bảo đảm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Trong giai đoạn 2016-2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức của ngành Kiểm sát Hải Dương luôn được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quan tâm, chú trọng, xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức là một trong những nhiệm vụ đột phá trong công tác cán bộ hằng năm. Chú trọng cả đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa các theo các tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn theo chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý và công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn; linh hoạt trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch và tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ.
Thứ nhất, về đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện chức danh theo vị trí việc làm và điều kiện, tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý: đã thực hiện nghiêm túc việc chọn cử công chức tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị; các lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước, kiến thức an ninh - quốc phòng tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Đảng, của Ngành và địa phương theo các kế hoạch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cấp ủy địa phương, cơ bản đến nay đội ngũ công chức của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo chức danh vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo, quản lý. Toàn ngành hiện nay có 173 công chức nghiệp vụ kiểm sát, về trình độ chuyên môn có: 01 Tiến sĩ Luật (0,57%), 33 Thạc sỹ Luật (19,08%), 139 Cử nhân Luật (80,35%), 100% Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đã được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát; về trình độ lý luận chính trị có 37 người có trình độ cao cấp (21,38%), 99 người có trình độ trung cấp (57,22%); về quản lý Nhà nước: 02 người được bồi dưỡng chương trình chuyên viên cao cấp (1,15%), 75 người được bồi dưỡng chương trình chuyên viên chính (43,35%); cơ bản cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, cấp phòng được bồi dưỡng kiến thức an ninh - quốc phòng (đối tượng 3) và bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng.
Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, chủ yếu thông qua hình thức đào tạo tại chỗ thông qua việc phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ mở tại địa phương và các biện pháp khác, như:
Trong 5 năm đã tổ chức 05 cuộc thi về nhận thức và kỹ năng nghiệp vụ đối với đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, gồm: thi viết tìm hiểu Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (năm 2016); cuộc thi "Chúng tôi là Kiểm sát viên" (năm 2016); thi viết tìm hiểu Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (năm 2017); thi viết xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ, việc dân sự, vụ án hành chính (năm 2020); thi viết kỹ năng xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên và xử lý tình huống tại phiên tòa xét xử vụ án hành chính, vụ án dân sự có liên quan đến đất đai" (năm 2021).
Ảnh tư liệu: Đồng chí Phạm Văn Quang, Bí thư Ban Cán sự, Viện trưởng Viện KSND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài Ngành tổ chức 18 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại địa phương đối với hàng nghìn lượt Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên, gồm: 04 lớp bồi dưỡng theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (năm 2016); 01 lớp bồi dưỡng kỹ năng lấy lời khai, hỏi cung bị can, khám nghiệm hiện trường các vụ án TNGT, kỹ năng thu thập dữ liệu, phương tiện điện tử (năm 2017); 03 lớp bồi dưỡng về kỹ năng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính” (năm 2018); 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự (năm 2018); 01 lớp nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự và kỹ năng THQCT, KSHĐTP trong lĩnh vực hình sự; 02 Bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, án hành chính, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong HĐTP (năm 2019); 02 lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp phòng (năm 2019); 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ (năm 2019); 01 lớp bồi dưỡng kỹ năng ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can và thu thập, xử lý dữ liệu điện tử (năm 2020).
Ảnh tư liệu: Đồng chí Phạm Văn Quang, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh trao
Giấy khen cho các Đồng chí hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập bồi dưỡng
Năm 2021, để thực hiện tốt chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá năm 2021 và cả nhiệm kỳ 2021-2026; VKSND tỉnh Hải Dương xây dựng kế hoạch phối hợp với Trưởng Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức 01 lớp bồi dưỡng kiến thức mới, chuyên sâu về Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý, Kiểm sát viên được phân công làm nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, với thời gian 7 ngày học tập trung tại VKSND tỉnh. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, đã kịp thời chuyển từ việc học trực tiếp sang hình thức trực tuyến từ điểm cầu Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến 13 điểm cầu VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện.
Từ năm 2016 đến nay đã phối hợp với Tòa án hai cấp tổ chức 1.427 phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính để rút kinh nghiệm về kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, trong đó có 04 phiên tòa được truyền hình trực tuyến đến tất các điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân hai cấp.
Nhằm đánh giá đúng kiến thức của đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên trong việc thực hiện các quy định, quy chế công tác nghiệp vụ, từ đó có các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ cũng như tạo ra phong trào tự nghiên cứu, học tập các quy chế nghiệp vụ của đội ngũ công chức để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động công vụ, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức kiểm tra kiến thức về các quy chế, quy định về công tác nghiệp vụ đối với 100% Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên nghiệp vụ (năm 2018).
Cùng với việc thực hiện các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các quy định về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (Quy định 08, 55,101); thực hiện có chất lượng, hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỹ cương và trách nhiệm"; phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở".
Với các biện pháp, giải pháp nêu trên, đội ngũ công chức ngành Kiểm sát Hải Dương cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hằng năm đã giải quyết hàng nghìn vụ án hình sự, kiểm sát giải quyết hàng nghìn vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, việc thi hành án hình sự, dân sự… không để xảy ra oan, sai, không có trường hợp phải đình chỉ điều tra do không phạm tội hoặc trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội, các kháng nghị, kiến nghị được chấp nhận và tiếp thu đạt tỷ lệ cao. Liên tục trong 5 năm qua, ngành Kiểm sát Hải Dương đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tặng Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân, được tặng Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (năm 2017); được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2020); nhiều tập thể VKSND cấp huyện, đơn vị cấp phòng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Cờ thi đua dẫn đầu Khối, nhiều lượt cá nhân được tặng các danh hiệu Chiến sĩ thi đua Ngành, Chiến sĩ thi đua cơ sở và bằng khen, giấy khen trong các đợt thi đua ngắn hạn.
Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế trong thời gian tới, nhất là quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, ngày 15/7/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương, đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức giai đoạn 2021-2025, với các mục tiêu như sau:
(1) Đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 100% công chức giữ chức vụ lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Trưởng phòng và tương đương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho 80% - 90% Kiểm sát viên trung cấp và tương đương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Phó Trưởng phòng và tương đương, Kiểm tra sát viên sơ cấp.
(2) Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp cho 100% lãnh đạo VKSND tỉnh, cho 80% công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý VKSND hai cấp và các chức danh từ ngạch Kiểm sát viên trung cấp và tương đương trở lên. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính cho 70% Kiểm sát viên sơ cấp và tương đương trở lên.
(3) Bồi dưỡng kiến thức quản lý chỉ đạo điều hành chuyên ngành cho 100% lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; đảm bảo 100% công chức được bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
(4) Tiếp tục chọn cử công chức đào tạo sau đại học, phấn đấu có trên 15% công chức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ Luật trở lên; chọn cử 100% công chức có trình độ cử nhân luật (đã hoàn thành tập sự) (nếu có) đi đào tạo nghiệp vụ kiểm sát theo kế hoạch của VKSND tối cao.
(5) Phấn đầu hằng năm cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo lại, bảo đảm cho ít nhất 80% công chức trở lên được cập nhật kiến thức mới, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ.
(6) Chú trọng chọn cử các công chức tham gia các lớp bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng, phương pháp cần thiết để thực hiện tốt công việc được giao.
(7) Chọn cử các công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài theo kế hoạch của VKSND tối cao, nhằm xây dựng đội ngũ công chức kiểm sát giỏi về ngoại ngữ, có chuyên môn sâu về luật quốc tế, có đủ khả năng tham gia giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài.
(8) Tăng cường tổ chức tự đào tạo, bồi dưỡng thông qua các hình thức như tổ chức các cuộc thi; xây dựng các chuyên đề tập huấn, rút kinh nghiệm nghiệp vụ; phổ hợp tổ chức các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính để rút kinh nghiệm.
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự phối hợp, tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và các cơ quan hữu quan để Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế./.
Phạm Văn Quang Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.