Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người Viện trưởng đặc biệt của ngành Kiểm sát nhân dâ

Chủ nhật - 25/07/2021 23:05

Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người Viện trưởng đặc biệt của ngành Kiểm sát nhân dâ

Nhân kỷ niệm Nhân dịp kỷ niệm 61 năm thành lập Viện kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2021), Viện KSND thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương trích bài viết "Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người Viện trưởng đặc biệt của ngành Kiểm sát nhân dân" được đăng trên Tạp chí Kiểm (kiemsat.vn) ngày 19/7/2021 của tác giả Hạ Chí Nhân - Nguyễn Xuân. Mong rằng, đây sẽ là những tài liệu bổ ích, giúp cho đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành có thể tìm hiểu về đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người Viện trưởng đặc biệt của ngành Kiểm sát nhân dân

(Trích bài viết của tác giả Hạ Chí Nhân - Nguyễn Xuân Thu trên Tạp chí Kiểm (kiemsat.vn) ngày 19/7/2021)  

Đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các điển hình tiên tiến (Ảnh: internet)

Cụ Hoàng Quốc Việt là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bậc tiền bối Cách mạng của Đảng; Nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của dân tộc, Chủ tịch Danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cụ Hoàng Quốc Việt để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng.

Trong bài viết “Một nhà cách mạng được sự kính trọng, yêu mến rộng rãi” của đồng chí Hoàng Tùng - Bí thư Trung ương Đảng đã một lần nữa khẳng định đức độ của đồng chí Hoàng Quốc Việt: “Tấm gương trong sáng suốt đời của Hạ Bá Cang - Hoàng Quốc Việt là không ham địa vị, danh vọng. Lúc nào cũng muốn chia sẻ gánh nặng với các đồng chí khác. Nhận trách nhiệm tùy theo sức mình, ra sức làm tròn không quản nguy nan. Thẳng thắn, nghiêm khắc đối với những hành vi gây tổn thất đối với lợi ích của cách mạng và của nhân dân. Năm 1940, cụ cùng với Hoàng Văn Thụ, quyết định cho người đi đón đồng chí Đặng Xuân Khu đang hoạt động bí mật ở Thái Bình lên và cử làm Bí thư Xứ ủy. Khi cả Đặng Xuân Khu, Hạ Bá Cang, Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời thay các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn và các đồng chí khác đã bị địch bắt, Cang và Thụ vẫn cử Khu làm Tổng Bí thư. Tại Hội nghị Trung ương năm 1941, mọi người nhất trí bầu Bác Hồ làm Tổng Bí thư, song Người từ chối, Đặng Xuân Khu lại được cử giữ chức vụ cũ. Tại Hội nghị Tân Trào, Hoàng Quốc Việt được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương.

Là một đồng chí ở cơ quan lãnh đạo lâu năm, song đồng chí Hoàng Quốc Việt không bao giờ xa cách các đồng chí và đồng bào. Phong cách khiêm tốn, cần cù, giản dị, ghét xa hoa, lãng phí, đặc biệt ghét thói kênh kiệu, lên mặt, quan cách. Làm việc với đồng chí rất dễ dàng, thoải mái, nếu là người trung thực, chân chỉ, có ý thức trách nhiệm; nhưng rất khó khăn đối với những người gian dối, lười biếng, ham quyền lực.

 Những năm đầu của thế kỷ XX, đất nước ta đang chìm đắm trong ách cai trị của thực dân Pháp và phong kiến, nhiều xu thế phong trào yêu nước nổ ra Cụ đã mau chóng chọn con đường theo Bác, chọn lý tưởng Cộng sản để nguyện suốt đời phấn đấu, chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân làm lẽ sống, làm lý tưởng. Đặc biệt, từ năm 1960 đến 1976, Cụ đã cùng lúc điều hành ba cơ quan chủ chốt: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; Viện trưởng VKSND tối cao và nhiều công việc quan trọng khác của Đảng và đoàn thể.

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức VKSND, được Quốc hội khóa II thông qua ngày 15/7/1960. Theo quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức VKSND năm 1960: Viện kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan độc lập trong bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước ở địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân, thực hiện quyền giám sát các hoạt động tố tụng và thực hiện quyền công tố. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Viện trưởng VKSND tối cao.

Với uy tín chính trị lớn lao, với đức độ, sự thông thái và được tôi luyện trong lò lửa chiến tranh cách mạng, Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy nhiệm thay mặt Nhà nước xây dựng hệ thống VKSND và là Viện trưởng đầu tiên của VKSND tối cao trong nhiều năm, góp phần xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức rất mới này trong thể chế nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Từ năm 1960 đến 1976, đất nước ta đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó là nhiệm vụ tối thượng của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có Viện kiểm sát. Với chức năng: Kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và của công dân; kiểm sát các hoạt động tố tụng; thực hiện quyền công tố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt của Bộ Chính trị: Ngành Kiểm sát là một trong những công cụ của Nhà nước Dân chủ nhân dân, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, tăng cường kỷ luật xã hội trong quần chúng nhân dân. Nói đến kiểm tra việc tuân theo pháp luật, cần chú trọng trước hết kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, bởi vì sự vi phạm của một số công dân nào đó đối với pháp luật có lẽ không tai hại bằng những sự lạm quyền của các cơ quan chính quyền, các cơ quan quản lý kinh tế, văn hóa và của những người có trách nhiệm thi hành pháp luật. Nếu những người này làm sai pháp luật thì chẳng những vi phạm cả quyền tự do dân chủ của nhân dân, mà còn làm trái chủ trương, chính sách là sinh mạng của Đảng, là linh hồn của pháp luật nhà nước; điều đó sẽ đánh vào nguồn gốc sức mạnh của chế độ ta, là sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, trước hết phải bảo đảm sự tôn trọng pháp luật một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ của các cơ quan nhà nước, của những người thay mặt nhân dân nắm quyền hành chính và công việc quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội.

Để đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất, ngành Kiểm sát cần kiểm sát các vụ bắt giam và xét xử một cách sáng suốt, thận trọng; cần có biện pháp xử lý thích đáng, kiên quyết không xử oan một người ngay, nhưng cũng không để lọt một kẻ có tội… Chúng ta phải đem tấm lòng ưu ái của người Cộng sản đối với những đau khổ của con người, kết hợp với yêu cầu giữ gìn những quy tắc của cuộc sống chung trong xã hội mà xử phạt sao cho công minh, nhằm giáo dục và cải tạo những người phạm pháp trở thành những người lương thiện, nhằm ngăn ngừa những hành động sai trái. Vấn đề không phải chỉ đơn giản là xử một vụ án, trừng phạt một tội phạm nào đó, điều quan trọng là phải tìm mọi cách để làm giảm bớt những hành động phạm pháp và tốt hơn nữa là ngăn ngừa, đừng để các việc sai trái xảy ra.

Trong 16 năm với cương vị Viện trưởng VKSND tối cao, Cụ Hoàng Quốc Việt đã để lại cho ngành Kiểm sát một di sản lớn:

- Đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống tổ chức VKSND từ trung ương đến địa phương và hình thành hệ thống lý luận, phương pháp công tác kiểm sát.

- Yêu cầu công tác kiểm sát phải phục vụ kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng luôn là phương châm hành động của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân.

- Dựa vào nhân dân, quan tâm, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, nêu cao tính dân chủ trong hoạt động kiểm sát, vừa là tư tưởng chỉ đạo, vừa là tác phong làm việc hàng ngày của đồng chí Hoàng Quốc Việt.

- Hướng về cơ sở một cách sâu sát, trực tiếp và cụ thể luôn được đồng chí đặt ra trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân.

- Mở trường đào tạo, chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Kiểm sát luôn là tâm niệm của đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp năm 1959 đã hiến định một loại hình cơ quan nhà nước mới trong bộ máy nhà nước ta, đó là VKSND. Việc xây dựng tổ chức mới này đã gắn bó với người Viện trưởng đầu tiên - Cụ Hoàng Quốc Việt, trong suốt 16 năm, Cụ đã góp phần xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong thể chế Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; nhất là trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phương châm “không có vùng cấm”, càng khẳng định vai trò nòng cốt của các cơ quan tư pháp, trong đó có vai trò quan trọng của VKSND trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ công cuộc đổi mới đất nước..."

                                                                                            Nguyễn Văn Trí (sưa tầm)
VKSND Tp Chí Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây