Tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ với ngành Kiểm sát nhân dâ

Thứ năm - 07/05/2020 23:19

Tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ với ngành Kiểm sát nhân dâ

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về việc chấp hành pháp luật. Bản thân Hồ Chủ tịch luôn tôn trọng pháp luật; trong mọi việc, Người luôn vô tư, kiên quyết, bảo đảm sự công bằng và công minh. Tấm gương sáng của Bác về tuân thủ pháp luật được truyền tụng trong nhân dân, có sức giáo dục, thuyết phục rất lớn đối với cán bộ và nhân dân trong việc sống và làm theo pháp luật.

Trong thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 2 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “Các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Cán bộ làm công tác tư pháp (làm việc trong các cơ quan Tư pháp, Toà án, Viện Kiểm sát…) là những người được giao nhiệm vụ thi hành pháp luật, vì vậy, hơn ai hết phải là những người gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, phải hết lòng vì sự nghiệp chung của đất nước, vì nhân dân mà bảo vệ pháp luật. Là người cầm cân nảy mực, cán bộ tư pháp phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, công bằng, công minh, khách quan, “chí công, vô tư” theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm minh và thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu người làm công tác tư pháp phải “chí công, vô tư” mà còn phải biết “phụng công, thủ pháp”, bởi vì “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” được coi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của cán bộ tư pháp; điều này càng có ý nghĩa hơn trong sự nghiệp cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay, suy rộng ra là của cả nền tư pháp mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Công tác tư pháp suy cho cùng là ở đời và làm người. Vì vậy, Hồ Chủ tịch đã căn dặn cán bộ tư pháp phải luôn công bằng, khi áp dụng pháp luật và khi xử lý các vụ việc, không được lẫn lộn giữa công và tội. Theo Người: có công thì được thưởng, có lỗi thì phải bị phạt.

Hồ Chủ tịch coi việc xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói: Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ, có được ánh sáng của Đảng dìu dắt. Song song với đó là phải kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm, đấu tranh chống những hành vi xâm hại đến danh dự, uy tín của Đảng, của Nhà nước. Tại Hội nghị cán bộ tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch…


Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu VKSND Trung Quốc. Ảnh tư liệu


Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ. Theo Hồ Chủ tịch, xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn. Với những quan điểm đó, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của nước ta. Sau hòa bình lập lại, ngày 22/3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 10. Bác nói: Cần thực hiện đúng đắn nền pháp chế XHCN của nước ta, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, quyền lợi của nhân dân; đồng thời phải ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ, phá hoại lợi ích của nhân dân, phá hoại công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc... Ngành tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết, nhất trí thực sự, muốn đoàn kết thực sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình. Đoàn kết sẽ giúp sức mạnh tập thể được nhân lên, giúp các cá nhân vượt qua mọi khó khăn, có sức mạnh đoàn kết thì việc khó mấy cũng vượt qua được. Hồ Chủ tịch căn dặn: Các cơ quan tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với các cơ quan chính quyền để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.

Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm đặc biệt và những tình cảm cao quý của Người ngay từ trước khi Người ký Lệnh số 20/LCT ngày 26/7/1960 công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Để chuẩn bị cho việc thành lập VKSND, cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt sang làm Viện trưởng VKSND tối cao.  Sự quan tâm của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng là một vinh dự rất lớn đối với ngành KSND ngay từ khi mới thành lập Ngành.

Không chỉ quan tâm đến việc tổ chức ra hệ thống VKSND ở nước ta và căn dặn cán bộ Kiểm sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian tiếp các Đoàn đại biểu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc và Viện Kiểm sát tối cao Liên Xô sang thăm và làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam.

Từ khi VKSND được thành lập, Bác Hồ đã căn dặn đối với cán bộ Kiểm sát mười chữ vàng là phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, được coi như phương châm hoạt động và rèn luyện với từng cán bộ Kiểm sát. Sau khi Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân được công bố, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ thị là phải đưa việc quán triệt thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân. Cho đến bây giờ, lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát vẫn luôn được coi là nội dung quan trọng để giảng dạy về đạo đức cho các thế hệ cán bộ Kiểm sát và cho học sinh các khóa học tại các trường của Ngành.

Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cải cách tư pháp, có nhiều việc ngành KSND cần phải làm, song trước hết, cùng với việc nâng cao năng lực, trình độ của Kiểm sát viên và cán bộ Kiểm sát, phải thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát là phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời dạy của Bác phải được cụ thể hóa bằng hành động trong từng công việc cụ thể hàng ngày của từng cán bộ Kiểm sát. Vinh dự và tự hào về sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu đối với các cơ quan tư pháp nói chung và VKSND nói riêng, toàn ngành KSND luôn nỗ lực không ngừng để góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

                                                                                                               Nguyễn Thị Thanh Thiện
VKSND thành phố Chí Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây