- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Tôi vào ngành Kiểm sát đến nay đã được 30 năm, tức là tôi đã gắn bó, kỷ niệm với ngành gần hết cuộc đời công tác và chắc chắn sẽ còn gắn bó với ngành lâu hơn nữa... Để quyết tâm vào Ngành công tác khi gia đình tôi không có truyền thống ở ngành Luật, đó là kỷ niệm rất sâu sắc của tôi đối với hình ảnh người Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử án hình sự từ thời thơ ấu.
Nhà tôi ở vùng quê nông nghiệp về phía Đông của tỉnh Hải Dương. Hồi đó tôi còn bé mới học lớp 4, lớp 5 gì đó, tức vào khoảng năm 1978, 1979 tôi nhớ hồi đó đang là kỳ nghỉ hè, nhưng hôm đó sân trường lại có nhiều người, có tiếng loa phát thanh ồn ào. Vì ở gần trường và cũng là tính hiếu kỳ của trẻ con, tôi vội chạy đến xem, thì biết là Tòa án xét xử lưu động một vụ án. Bọn trẻ con như tôi hồi đó chỉ hiểu nôm na là xét xử những người lừa đảo bán hàng ở chợ, lớn lên mới hiểu là tội lừa dối khách hàng. Khách hàng ở đây là những người nông dân suốt đời làm ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cuộc sống rất khó khăn, khổ cực. Hồi đó tôi nhớ đất nước mình còn khó khăn, thiếu thốn lắm, nhiều nhà trong họ nhà tôi, xung quanh nhà tôi và thậm chí cả nhà tôi đều thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu đủ thứ, cơm phải ăn độn bữa no bữa đói. Những người nông dân hồi đó tuy cực khổ, nhịn ăn nhưng vẫn phải dành dụm tiền để mua một mặt hàng, đó là đạm Urê để chăm sóc cho diện tích đất 03 mà quê tôi mọi người gọi là đất phần trăm. Còn 3 người bị xét xử hôm đó mà sau này tôi mới hiểu là bị cáo, là những người bán đạm Urê, một mặt hàng rất thiết yếu nhưng lại khan hiếm với người nông dân, vì hồi đó vẫn còn sản xuất theo mô hình Hợp tác xã, đạm Urê chỉ được cung cấp cho những cánh đồng của Hợp tác xã. Việc mua bán được thực hiện đong bằng ống bơ sữa, với thủ đoạn các bị cáo làm thêm một đáy ống bơ nữa, nên nhìn bên ngoài thì bình thường, nhưng thực tế một ống bơ đạm đong đầy nhưng người mua đã bị bớt đi một phần, ước khoảng nếu mua mười ống thì thực tế chỉ được chín ống. Hành vi của các bị cáo thực hiện trong một thời gian dài mới bị phát hiện.
Tại phiên tòa hôm đó tôi rất nhớ hình ảnh của một cán bộ xét xử mà sau này mới biết là Kiểm sát viên, đã đưa ra những câu hỏi, bằng chứng mà bị cáo không thể chối cãi phải cúi đầu nhận tội. Đặc biệt là bản luận tội khi ấy tôi còn rất bé nhưng khi nghe tôi thấy cực kỳ thuyết phục. Không hiểu sao lúc đó tôi mơ ước lớn nên mình sẽ phải làm như người cán bộ đó. Ước mơ đó cứ theo tôi suốt tuổi thơ, đến năm lớp mười hai, khi chọn trường thi, ước mơ đó lại ùa về. Tôi nghĩ muốn làm được như người cán bộ kia thì chỉ học luật thì mới có thể làm được, thế là tôi đăng ký thi vào trường Đại học pháp lý vì hồi đó không biết ngành có trường Cao đẳng kiểm sát. Tôi cũng không biết hỏi ai vì nhà không có ai theo ngành luật, vả lại hồi đó thông tin cũng không đa dạng như bây giờ. Bố mẹ tôi đều là nhà giáo và đều muốn tôi theo nghề của ông bà, vì vậy không khuyến khích tôi học luật. Ông bà nói thấy dính dáng đến pháp luật nghe có vẻ phiền hà, ở quê thường nghĩ như vậy.
Đến năm 1990 tôi tốt nghiệp ra trường, lúc đó mặc dù có nhiều cơ hội xin việc như vào Tổng cục dầu khí, Tòa án ... nhưng tôi chỉ có một mong muốn được làm việc trong ngành Kiểm sát, lúc này tôi mới tiếc là không học trường Kiểm sát vì đây là trường của Ngành, học xong ra sẽ được phân công công tác ngay. Do vậy tôi phải chờ việc hơn một năm, sau đó cũng được toại nguyện. Với lòng yêu ngành yêu nghề như vậy nên khi vào ngành tôi cố gắng học hỏi, hòa nhập công việc khá nhanh và làm tốt công việc được giao. Đến nay sau 30 năm công tác, đã là lãnh đạo của Ngành ở tỉnh nhưng trong tôi kỷ niệm sâu sắc đó vẫn còn mãi, không hối tiếc và mãi yêu Ngành, yêu nghề.
Nguyễn Hoàng Dương PVT - VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.