VKSND tỉnh Hải Dương kháng nghị Bản án của Tòa án do tuyên hình phạt chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo và tính sai tiền bồi thường thiệt hại.
Thứ hai - 18/07/2016 21:04
Ngày 14/7/2016, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành kháng nghị phúc thẩm số 03/QĐKNPT/VKS-P2 kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 12/2016/HSST ngày 30/6/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử bị cáo Hoàng Văn Tám, sinh năm 1973, TQ: thôn Phú Thọ I, xã Lâm Xuyên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang về tội Giết người, Cướp tài sản.
Hành vi phạm tội của bị cáo Tám như sau: Khoảng 4h ngày 4/1/2016, tại nhà ở của bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1962 ở thôn Lĩnh Đông, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, Tám đòi tiền nợ nhưng do bà H chưa có tiền trả, Tám đã giật đứt sợi dây chuyền vàng của bà H đang đeo trên cổ và lấy chiếc xe máy Weve S của bà H dựng trong bếp. Bị bà H giữ lại, Tám đã gạt bà ngã, dùng tay bịt mồm bà không cho kêu để tránh bị phát hiện. Sau đó, bị cáo đã dùng tay phải bóp cổ bà H ấn nằm ngửa xuống giường, tay trái cầm 2 chiếc gối ấn vào mồm, vào mũi bà H khoảng 5 đến 7 phút, thấy bà H không giãy giụa nữa bị cáo mới bỏ tay ra. Bà H bị chết do ngạt. Tiếp đó bị cáo tìm trong tủ lấy 1 chiếc ví trong có 400.000 đồng và 1 nhẫn vàng, 1 điện thoại Nokia.
Tòa án đã áp dụng điểm g khoản 1 Điều 93, khoản 1 Điều 133, điểm p khoản 1 Điều 46; khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự, xử phạt Hoàng Văn Tám hình phạt chung thân về tội giết người, 5 năm tù về tội Cướp tài sản, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là tù chung thân; đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường tiền mai táng phí là 49.470.000 đồng và 400.000 đồng tiền mặt bị cáo đã chiếm đoạt, bồi thường tổn thất về tinh thần là 60 tháng lương tối thiểu bằng 69 triệu đồng (nhân với mức lương tối thiểu là 1.150.000 đồng/tháng); áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự buộc bị cáo phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm và 5.943.500 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Với hành vi phạm tội nêu trên của bị cáo, Viện kiểm sát tỉnh Hải Dương thấy Bản án tuyên xử phạt bị cáo Tám tù chung thân về tội giết người là chưa phù hợp với tính chất, mức độ hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, bởi hành vi phạm tội của bị cáo rất táo tợn, hung hãn, quyết liệt, thể hiện ý chí quyết tâm giết chết bà Hạt để chiếm đoạt tài sản. Liền một lúc bị cáo đã xâm phạm hai khách thể là tước đoạt sinh mạng và chiếm đoạt tài sản của bà Hạt. Hành vi phạm tội của bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, rất nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến trật tự trị an, gây bất bình trong dư luận và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Bản án tuyên xử bị cáo Tám phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần, nhưng áp dụng mức lương tối thiểu tại thời điểm giải quyết bồi thường chưa đúng Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tại Nghị quyết này quy định “Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần …tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường” và theo Nghị định số 47 ngày 26/5/2016 của Chính phủ thì mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tính từ ngày 1/5/2016 là 1.210.000 đồng/tháng. Như vậy việc bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần trong vụ án này phải được tính tại thời điểm giải quyết bồi thường với mức lương tối thiểu là 1.210.000 đồng/tháng, nếu nhân với 60 tháng thì mức bồi thường sẽ là 72.600.000 đồng, từ đó kéo theo tiền án phí sơ thẩm dân sự sẽ là 6.123.500 đồng.
Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương quyết định kháng nghị một phần của bản án, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử sửa bản án theo hướng xử phạt tử hình đối với Hoàng Văn Tám về tội giết người, buộc bị cáo phải bồi thường tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho gia đình bà Hạt với số tiền là 72.600.000 đồng và phải chịu án phí dân sự là 6.123.500 đồng.