Gia Lộc đề ra giải pháp nhằm tăng cường công tác tiếp công dân, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ bầu cử
Thứ hai - 23/05/2016 05:02
Tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua hoạt động tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Năm 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là bầu cứ Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Để chương trình công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lộc đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần tích cực cho thành công của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới, lãnh đạo VKSND huyện Gia Lộc đã xác định trong thời gian này phải làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là những đơn thư khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực bầu cử, coi đó là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Để làm được điều này VKSND huyện Gia Lộc đã đề ra một số giải pháp như sau:
Tiếp tục triển khai, thực hiện đầy đủ, có chất lượng các quy định của Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tổ chức VKSND, Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân, chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ chính trị, Nghị quyết 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII, chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 25/02/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao, Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 30/12/2015 của ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Kế hoạch số 01/KH-VKS-VP ngày 04/01/2016 của VKSND tỉnh Hải Dương, Chỉ thị số 04-CT-HU ngày 05/01/2016 của ban thường vụ Huyện ủy Gia Lộc và Kế hoạch công tác kiểm sát số 01 ngày 08/01/2016 của VKSND huyện Gia Lộc để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp, kịp thời đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành và đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương.
Bố trí nơi tiếp công dân thuận tiện, trang nghiêm, niêm yết công khai lịch tiếp công dân của Viện trưởng, số điện thoại cơ quan và nội quy tiếp công dân; phân công trách nhiệm, tổ chức thực hiện việc tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác đối thoại trong quá trình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, để giải thích, hướng dẫn cho công dân hiểu, chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước. Đơn vị, bộ phận kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp có trách nhiệm đề xuất việc tiếp công dân đột xuất của Viện tưởng trong các trường hợp quy định tại điểm 3 điều 18 luật tiếp công dân năm 2013. Nếu chưa có ý kiến trả lời tại buổi tiếp công dân thì ngay sau khi hoàn thành việc tiếp công dân, Viện trưởng chỉ đạo, phân công cụ thể trách nhiệm cho bộ phận có liên quan giải quyết để trả lời công dân theo đúng thời hạn luật định.
Trường hợp Viện trưởng có việc đột xuất không có ở đơn vị để tiếp công dân theo lịch thì ủy quyền cho một đồng chí Phó viện trưởng tiếp công dân.
Tiến hành kiểm tra, rà soát, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo về tư pháp diễn ra trên địa bàn huyện; phân công lãnh đạo, kiểm sát viên tham gia giải quyết theo đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát; chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp cùng cấp giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp phức tạp, kéo dài, không để phát sinh thành điểm nóng, bảo đảm giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.
Tích cực tham gia phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước, đơn vị chức năng trong việc giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp, nổi cộm; nhất là các khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự giới thiệu ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, việc tổ chức thực hiện quy trình bầu cử, kết quả bầu cử…theo yêu cầu của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp nắm chắc và xử lý nghiêm, kịp thời nếu có trường hợp các đối tượng lợi dụng chính quyền dân chủ có hành vi xúi giục khiếu kiện, cản trở phá rồi việc bầu cử, chống người thi hành công vụ, vi phạm pháp luật hình sự.
Tăng cường thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện những vi phạm của các cơ quan tư pháp để kháng nghị, kiến nghị theo quy định của pháp luật, yêu cầu các cơ quan tư pháp cùng cấp sửa chữa, khắc phục.
Cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị phải từng bước tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức pháp luật, không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của người đi trước để nâng cao năng lực cũng như kỹ năng trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ động hỏi han, hỗ trợ thêm thông tin đối với ý kiến của người dân; đồng thời phải rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, ôn hòa, điềm đạm và nghiêm túc trong công việc; biết tôn trọng, lắng nghe, quan tâm chân thành với những lo lắng, bức xúc và mong muốn của nhân dân. Đây là yếu tố quan trọng để thuyết phục người nghe đồng ý với những ý kiến phân tích của mình.