Điều 3 Luật thi hành án dân sự quy định "Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành". Trong thực tiễn xét xử, có trường hợp cơ quan nhà nước mà phổ biến nhất là Ủy ban nhân dân các cấp tham gia tố tụng với tư cách là một bên đương sự. Và sau khi Bản án, Quyết định có hiệu lực, UBND phải thực hiện nghĩa vụ về dân sự lúc này UBND trở thành người phải thi hành án.
UBND các cấp là cấp chính quyền địa phương, là đơn vị hoạt động bằng ngân sách nhà nước theo Điều 6 Luật ngân sách nhà nước. Điều 65 Luật thi hành án dân sự quy định "Trường hợp cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp phải thi hành án đã áp dụng mọi biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thi hành án thì ngân sách nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thi hành án...". Theo đó, khi thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự trước hết UBND phải áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết để thi hành nghĩa vụ, nếu đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà vẫn không có khả năng thi hành thì lúc đó sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo thi hành án.
Về vấn đề này tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 07 ngày 10/6/2016 của Bộ tư pháp - Bộ tài chính quy định: Cơ quan, tổ chức phải thi hành án thuộc diện được bảo đảm tài chính được ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án sau khi: Đã yêu cầu người có lỗi thực hiện nghĩa vụ nhưng người đó chưa có khả năng hoặc có nhưng số tiền đã nộp chỉ đáp ứng một phần nghĩa vụ thi hành án; Cơ quan, tổ chức đã sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm được từ nguồn kinh phí tự chủ nhưng vẫn không có khả năng thi hành án. Như vậy, trước hết UBND cần xác định người có lỗi và án yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án, nếu không xác định được hay người có lỗi không có khả năng hoặc chỉ thi hành được một phần nghĩa vụ thì UBND phải sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Khi đã sử dụng kinh phí tiết kiệm vẫn không thực hiện được nghĩa vụ thi hành án thì lúc này UBND sẽ được đảm bảo kinh phí thi hành án từ ngân sách nhà nước. Phạm vi đảm bảo tài chính để thi hành án được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2016. Mức đảm bảo tài chính được quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 07/2016 là: phần còn lại của nghĩa vụ thi hành án sau khi cơ quan, tổ chức phải thi hành án đã áp dụng các biện pháp tài chính được quy định tại Điều 2 hoặc là toàn bộ nghĩa vụ phải thi hành án nếu không có khả năng áp dụng các biện pháp tài chính quy định tại Điều 2 Thông tư này. Nguồn kinh phí để đảm bảo thi hành án đối với UBND các cấp sẽ do ngân sách địa phương bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Về mặt lý luận, nghĩa vụ thi hành án dân sự của cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước nói chung và UBND các cấp nói riêng đã được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng thực tiễn áp dụng có một số vướng mắc, khó khăn dẫn đến việc thi hành án dân sự của UBND các cấp còn hạn chế. Trên địa bàn huyện Tứ Kỳ hiện có 01 việc thi hành án trong đó UBND cấp xã phải thi hành khoản án phí dân sự là 115.000.000 đồng. Đến thời điểm hiện tại UBND xã chưa xác định được người có lỗi dẫn đến việc thi hành nghĩa vụ này. Chi cục THADS huyện Tứ Kỳ đã hướng dẫn UBND xã thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Tuy nhiên, hiện ngân sách xã không thể dùng khoản kinh phí tiết kiệm để thực hiện nghĩa vụ vì không có trong dự toán ngân sách của xã. Để đưa khoản chi phí thi hành án vào mục chi ngân sách thì UBND xã phải lập dự toán ngân sách xã theo quy trình quy định tại khoản 3 Điều 11 mục 2 Thông tư số 344 ngày 30/12/2016 của Bộ tài chính trình Hội đồng nhân dân xã quyết định. Việc lập dự toán chi này phải qua nhiều bước, qua thẩm định, đánh giá và thường là chưa có tiền lệ đối với cấp xã vì vậy để đưa được khoản chi cho nghĩa vụ thi hành án dân sự vào dự toán chi ngân sách xã cần nhiều thủ tục, mất nhiêu thời gian. Mặt khác, theo Luật ngân sách nhà nước thì ngân sách các cấp đều được bố trí khoản dự phòng từ 2-4% tổng chi ngân sách, nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách Nhà nước: dự phòng ngân sách nhà nước sử dụng để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng.. và các nhiệm vụ cần thiết khác mà chưa được dự toán. Vậy, khoản chi thi hành nghĩa vụ thi hành án có được coi là nhiệm vụ cần thiết khác chưa được dự toán hay không? Vấn đề này chưa được hướng dẫn, có nhiều cách hiểu khác nhau. Vì những phức tạp, vướng mắc nêu trên dẫn đến UBND xã gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự dẫn đến vi phạm thời hạn tự nguyện thi hành của người phải thi hành án.
Trong thực tiễn không ít địa phương gặp khó khăn trong việc thi hành nghĩa vụ thi hành án dân sự của cơ quan nhà nước nói chung và UBND các cấp nói riêng. Thiết nghĩ cần có hướng dẫn, giải đáp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự của UBND các cấp được nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Lê Mạnh Hà - VKSND huyện Tứ Kỳ