Về thời hiệu giải quyết các vụ án tạm đình chỉ

Thứ ba - 31/10/2023 04:04
Kể từ khi có văn bản Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLN ngày 01/6/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao-Tòa án nhân dân tối cao-Bộ Công an-Bộ quốc phòng-Bộ nông nghiệp và phát triên nông thôn-Bộ tài chính-Bộ tư pháp “Quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ” (có hiệu lực từ ngày 15/7/2020) có rất nhiều thuận lợi cho các ngành tư pháp nói chung và các cấp Viện kiểm sát nói riêng trong việc phối hợp kiểm tra, rà soát, đối chiếu, phân loại các vụ án tạm đình chỉ điều tra; giải quyết được phần lớn các vụ án tam đình chỉ điều tra trước đây tồn đọng. Tuy nhiên, quá trình giải quyết các vụ án tạm đình chỉ điều tra vẫn có vướng mắc, nhiều quan điểm khác nhau. Nhân đây tôi xin nêu ra, các bạn đồng nghiệp tham khảo:
1. Thực tế có vụ án xâm phạm sở hữu những năm trước đây (trước năm 2015) đã tạm đình chỉ điều tra. Qua nghiên cứu thấy, tài sản bị chiếm đoạt không được trưng cầu định giá trị giá thiệt hại, nên không xác định được trị giá thiệt hại là bao nhiêu, Quyết định khởi tố vụ án hình sự không ghi điểm, khoản của điều luật, do vậy vướng mắc trong việc áp thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.   
Các quan điểm:
- Có quan điểm cho rằng: Quyết định khởi tố vụ án hình sự không ghi điểm, khoản của điều luật, tài sản bị chiếm đoạt không được định gía, thì căn cứ vào lời trình bầy của người bị hại và cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh về đặc điểm, giá trị tài sản thời điểm mua, giá trị thời điểm bị chiếm đoạt; xác minh giá trị tài sản thời điểm mua, giá trị thời bị chiếm đoạt để làm căn cứ xác định tội phạm cấu thành ở khoản nào của điều luật đã khởi tố, đồng thời đối chiếu với khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Một quan điểm khác: Đồng tình với quan điểm trên, xác minh giá trị tài sản thời điểm mua, giá trị thời bị chiếm đoạt cùng với việc người bị hại trình bầy và cung cấp tài liệu, chứng cứ, nhưng vẫn phải trưng cầu định giá tài sản theo quy định tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, để làm căn cứ xác định tội phạm cấu thành ở khoản nào của điều luật đã khởi tố, rồi mới tính được thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không trưng cầu định giá tài sản thì không xác định tội phạm cấu thành ở khoản nào, theo đó không tính được thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Theo quan điểm của tôi: Quyết định khởi tố vụ án hình sự không ghi điểm, khoản của điều luật, tài sản bị chiếm đoạt không được định giá về trị giá tài sản bị thiệt hại, đây là thiếu sót trong quá trình điều tra vụ án đến nay không thể khắc phục được. Theo hướng có lợi cho người phạm tội, tại hướng dẫn của khoản 3 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01 ngày 01/6/2020 đã nêu rất rõ “… Trường hợp quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can chỉ ghi điều luật, không ghi khoản và quá trình điều tra chưa chứng minh làm rõ được hành vi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật đó thì việc xác định thời hiệu căn cứ vào khung hình phạt trong cấu thành cơ bản của điều luật đó;”. Theo quan điểm của tôi vướng mắc trên áp dụng theo khoản 3 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01 ngày 01/6/2020 để tính thời hiệu.
2. Một số vụ án Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, trước đây (trước năm 2015) đã được khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 231 BLHS năm 1999, thì trường nào được thay đổi tội danh sang tội Trộm cắp tài sản ? thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được áp dụng theo vụ án Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hay vụ án Trộm cắp tài sản.
Các quan điểm khác nhau:
- Có quan điểm cho rằng: Thay đổi tội danh từ tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia sang tội Trộm cắp tài sản, thì phải có lý do để hủy quyết định tạm đình chỉ điều tra và vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; mặt khách hành vi của tội phạm chiếm đoạt tài sản có nằm trong “Tiêu chí xác định công trình thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia” hay không, nếu hành vi của tội phạm chiếm đoạt tài sản không nằm trong “Tiêu chí xác định công trình thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia” thì mới có lý do thay đổi tội danh.
- Theo quan điểm của tôi: Quan điểm trên chưa đầy đủ. Theo tôi để xem xét việc thay đổi tội danh từ tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia sang tội Trộm cắp tài sản, trước hết phải xem xét yếu tố cấu thành của tội Trộm cắp tài sản, chủ thể tội phạm là lén lút chiếm đoạt tài sản, không có mục đích nào khác; khách thể bị xâm hại tài sản bị chiếm đoạt không nằm trong “Tiêu chí xác định công trình thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”, theo hướng có lợi cho người phạm tội thì được thay đổi tội danh từ tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia sang tội Trộm cắp tài sản.
Theo Nghị định 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ, tại Điều 7 quy định Tiêu chí xác định công trình thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
Công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia phải có đủ các tiêu chí sau đây:
1. Là công trình có một trong các đặc trưng:
a) Là cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia:
- Công trình quốc phòng, an ninh quan trọng nếu để xảy ra sự cố hoặc bị phá hoại sẽ làm suy yếu khả năng phòng thủ bảo vệ Tổ quốc hoặc trực tiếp tác động đến sự tồn tại của chế độ.
- Công trình văn hoá, thông tin - truyền thông nếu bị phá hoại hoặc bị lợi dụng làm phương tiện thông tin, tuyên truyền chống lại chính quyền nhà nước sẽ trực tiếp tác động đến tư tưởng người dân, đến sự tồn tại của chế độ.
- Công trình có sử dụng công nghệ hạt nhân (lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, nhà máy điện hạt nhân), công trình đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, giao thông, đê điều, điện lực, thủy lợi, xây dựng nếu để xảy ra sự cố hoặc bị phá hoại sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân, gây thảm họa đối với đời sống con người, môi trường sinh thái.
b) Là nơi tập trung lưu giữ, bảo quản nhiều hồ sơ tài liệu, mẫu vật, hiện vật thuộc danh mục bí mật nhà nước hoặc có giá trị đặc biệt quan trọng về chính trị - ngoại giao, văn hóa - lịch sử, kinh tế, khoa học - kỹ thuật; nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động nghiên cứu, hoạch định chủ trương, chính sách thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
c) Là nơi bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái.
d) Công trình khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Là công trình đòi hỏi phải áp dụng công tác bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Như phân tích ở trên, trường hợp vụ án Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, quy định tại khoản 1 Điều 231 BLHS năm 1999 mà vẫn còn thời hiệu và có căn cứ để thay đổi tội danh từ tôi Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, quy định tại khoản 1 Điều 231 BLHS năm 1999 sang tội Trộm cắp tài sản, khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015, thì áp dụng Điều 235 BLTTHS và khoản 01 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01 ngày 01/6/2020 để phục hồi điều tra vụ án và ra quyết định thay đổi tội danh từ tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (khoản 1 Điều 231 BLHS năm 1999) sang tội Trộm cắp tài sản (khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015), theo hướng có lợi cho người phạm tội, áp dụng thời hiệu theo tội Trộm cắp tài sản.
Trường hợp vụ án Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, quy định tại khoản 1 Điều 231 BLHS năm 1999 mà đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì áp dụng khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01 ngày 01/6/2020 để áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia .
Rất mong ý kiến của các bạn đồng nghiệp tham khảo, phản hồi. Xin chân thành cám ơn./.
                                                   Phạm Văn Vững
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây