Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết định khung nếu người phạm tội, phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”.
Hình ảnh mang tính minh họa
Quy định là vậy, nhưng thực tế khi áp dụng tình tiết định khung này còn nhiều khó khăn, do còn có nhiều quan điểm nhận thức khác nhau. Do đó việc áp dụng tình tiết định khung này trong từng vụ án chưa có sự thống nhất, đặc biệt là trong vụ án “Trộm cắp tài sản”, như tình huống dưới đây:
Khoảng 23 giờ 55 phút ngày 25/02/2024 tại phòng trọ của chị Tao Thị L, , ở thôn Mậu An, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Đỗ Văn Dương sinh năm 1999 đã có hành vi lợi dụng sơ hở cổng nhà trọ không khoá, lén lút chiếm đoạt xe môtô nhãn hiệu Honda Winnerx, BKS 25S1-064.82, trị giá 32.000.000 đồng của chị L.
Bản thân Dương có 02 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, cụ thể:
- Bản án số 47/2019/HSST ngày 27/11/2019, Toà án nhân dân huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông xử 15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản (trị giá tài sản chiếm đoạt 19.000.000 đồng, chấp hành xong hình phạt tù ngày 15/11/2020);
- Bản án số 119/2021/HS-ST ngày 08/12/2021, Toà án nhân dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng xử 12 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản (Bản án xử bị cáo về 02 hành vi trộm cắp tài sản, tổng giá trị tài sản trộm cắp là 2.625.000 đồng (trong đó: trị giá tài sản trộm cắp lần thứ nhất ngày 06/9/2021 là 940.000 đồng; trị giá tài sản trộm cắp lần thứ hai ngày 09/9/2021 là 1.685.000 đồng). Bản án xác định Dương có 01 tiền án nhưng không áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” hoặc tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm g, h khoản 1 Điều 52 BLHS để xét xử đối với Dương. Chấp hành xong hình phạt tù ngày 14/9/2022 và các quyết định khác của bản án.
Trong vụ án này, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, có hai quan điểm khác nhau trong việc có hay không xác định tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS, như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Đỗ Văn Dương phải chịu tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS, bởi:
Thứ nhất, bản án số 119 ngày 08/12/2021, xác định tổng giá trị tài sản Dương chiếm đoạt là 2.625.000 đồng. Nếu không có bản án số 47 ngày 27/11/2019, thì Dương vẫn bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội ‘‘Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS (được hướng dẫn tại điểm a, mục 5 phần II, TTLT số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, ngày 25/12/2001, hướng dẫn trường hợp “… thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự … thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm”.
Thứ hai, việc bản án số 119 không xác định tình tiết tăng nặng “tái phạm” theo điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS là do áp dụng thiếu pháp luật.
Do vậy, xác định Đỗ Văn Dương có 02 tiền án về tội “trộm cắp tài sản”. Căn cứ vào khoản 1 Điều 53 BLHS, xác định Dương “tái phạm” tại bản án số 119. Đến lần phạm tội ngày 25/4/2024, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS, xác định Dương “tái phạm nguy hiểm”, và phải bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Đỗ Văn Dương không phải chịu tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS, bởi:
Thứ nhất, bản án số 119 không áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” theo điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS đối với Dương. Dương đã chấp hành xong hình phạt tù và các quyết định khác của bản án. Cho đến nay, chưa có Bản án hay quyết định nào khác của cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc sửa bản án số 119. Nên không thể khẳng định bản án số 119 không áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” là áp dụng thiếu pháp luật.
Thứ hai, điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS quy định “… được coi là tái phạm nguy hiểm khi đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”.
Do vậy, ở lần phạm tội này Dương không chịu tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS,
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ:
Thứ nhất, mặc dù bản án số 119 không áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” đối với Dương, tuy nhiên căn cứ vào hướng dẫn tại điểm a, mục 5 phần II, TTLT số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, ngày 25/12/2001; khoản 1 Điều 53 BLHS thì có căn cứ để xác định bản án số 119 áp dụng pháp luật thiếu tình tiết tăng nặng “tái phạm”.
Thứ hai, không căn cứ vào bản án số 119 là căn cứ duy nhất để xác định có hay không áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm”. Cần phân tích, đánh giá, áp dụng các tình tiết dựa trên văn bản hướng dẫn và các căn cứ quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất, cho rằng: Đỗ Văn Dương phải chịu tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS,
Thông qua công tác thực tế, tác giả nghiên cứu và đưa ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm”, quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS. Rất mong được trao đổi và nhận được phản hồi từ các đồng nghiệp, cũng như sớm được cấp có thẩm quyền quan tâm trong việc hướng dẫn kịp thời áp dụng pháp luật hình sự./.
|
Phạm Thị Huyên
VKSND huyện Cẩm Giàng
|