Cần sửa đổi, bổ sung quy định mới về quyền, nghĩa vụ của đương sự theo hướng tăng tính chủ động và trách nhiệm của đương sự trong THADS
Thứ năm - 18/07/2024 01:08
Luật thi hành án dân sự hiện hành chưa quy định đủ các chế tài đủ tính răn đe để buộc người phải thi hành án tự nguyện, nhanh chóng thi hành án; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người được thi hành án. Thông qua trực tiếp kiểm sát tại Chi cục THADS huyện trong các năm qua xét thấy:
Đối với người phải thi hành án: Người phải thi hành án thường không kê khai trung thực về tài sản, điều kiện thi hành án; không cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản nên gây khó khăn cho hoạt động xác minh của Chấp hành viên. Nhưng chưa có cơ chế và chế tài phù hợp để buộc người phải thi hành án phải tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình (theo điểm b khoản 2 Điều 7a Luật thi hành án dân sự).
Đối với người được thi hành án: Chưa tạo điều kiện, đề cao trách nhiệm của người được thi hành án chủ động thu thập chứng cứ chứng minh và tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (theo điểm d khoản 1 Điều 7 Luật thi hành án dân sự).
Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định Chấp hành viên chịu trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án và ngân sách nhà nước phải chịu chi phí. Đương sự vẫn có quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án và được xét miễn, giảm phí thi hành án nếu thông tin chính xác. Quy định này mặc dù tháo gỡ được một phần khó khăn cho đương sự so với Luật THADS năm 2008, nhưng lại chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc chung về dân sự và tạo ra áp lực lớn đối với Chấp hành viên, cơ quan THADS và ngân sách nhà nước. Đồng thời, quy định trên làm cho người được thi hành án trông chờ vào hoạt động xác minh của Chấp hành viên, không chủ động tìm kiếm các thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và không sẵn sàng chi trả chi phí cho dịch vụ xác minh của Thừa phát lại. Điều này phần nào chưa kịp thời thể chế hóa chủ trương xã hội hoá một số hoạt động THADS được ghi nhận trong Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 27/NQ-TW "thực hiện xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự với cơ chế bảo đảm và lộ trình phù hợp". Một số quy định của Luật THADS chưa phát huy vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của người được thi hành án nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình thi hành án mà thay vào đó lại giao trách nhiệm thực hiện cho Chấp hành viên.
Ví dụ: Luật THADS quy định để tổ chức cưỡng chế thì cơ quan THADS tạm ứng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn kinh phí tạm ứng từ ngân sách Nhà nước có hạn, trong một số trường hợp gây ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thi hành án. Trong khi nhiều trường hợp người được thi hành án có khả năng kinh tế (như các tổ chức tín dụng) sẵn sàng tự nguyện nộp tạm ứng chi phí cưỡng chế.
Đối với người thi hành án khác: Luật THADS hiện chưa quy định định rõ, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong quá trình thi hành án, dẫn đến còn cách hiểu, áp dụng khác nhau. Chẳng hạn như việc chuyển hóa vai trò từ người thứ ba có tài sản bảo đảm thành người phải thi hành án. Mặt khác, Luật THADS hiện hành chưa quy định cụ thể vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại trong THADS; chưa có quy định cụ thể về những người tham gia THADS khác, như: Người đại diện, Người phiên dịch, Người chứng kiến....
Quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe.
- Việc quy định các chế tài trong hoạt động thi hành án còn rất hạn chế và chưa hiệu quả, chỉ mới dừng lại ở việc phạt hành chính hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng thực tiễn ở địa phương chưa xử lý được trường hợp nào trong các năm qua (rất khó thực hiện do chưa bảo đảm tính đồng bộ).
- Chưa có cơ chế xử lý trong trường hợp người phải thi hành án là pháp nhân, Doanh nghiệp phải thi hành nghĩa vụ bắt buộc thực hiện hoặc buộc không thực hiện công việc nhất định ( người khác không thể thực hiện thay) nhưng họ không chấp hành, cụ thể Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015 giới hạn những trường hợp pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324.
Như vậy, nếu các pháp nhân không thực hiện nghĩa vụ đã được tuyên trong bản án, thì cơ quan THADS không có cơ sở đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân đó. Do đó, cần nghiên cứu có chế tài đối với các trường hợp pháp nhân không chấp hành án liên quan đến quyền kinh doanh, huy động vốn....
- Chưa có các quy định để phục vụ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự sang các hình thức trực tuyến theo yêu cầu chuyển đổi số, nhất là việc thực hiện các thủ tục tống đạt, thông báo về thi hành án.
Đề xuất giải pháp:
Cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật THADS để quy định mới về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác theo hướng tăng tính chủ động và trách nhiệm của đương sự trong THADS, tăng chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, chống đối, chây ỳ thi hành án. Cụ thể:
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý để người được THADS có quyền và nghĩa vụ chủ động xác minh, chứng minh điều kiện thi hành án, đề nghị áp dụng các biện pháp bảo đảm THADS. Cơ quan THADS có trách nhiệm xác minh đối với các đối tượng chính sách và có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc xác minh và chỉ tiến hành xác minh điều kiện THADS trong trường hợp do pháp luật quy định.
Quy định quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc cung cấp thông tin dữ liệu và sử dụng các ứng dụng CNTT để tiếp nhận các văn bản tống đạt, thông báo của cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án.
- Hoàn thiện các quy định về thủ tục THADS theo các nguyên tắc về quyền, nghĩa vụ của đương sự và bổ sung các vấn đề chưa được luật điều chỉnh như: Nghĩa vụ của đương sự trong cung cấp thông tin dữ liệu và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình THADS cần hoàn thiện các quy định để đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, như thực hiện thủ tục thông báo, tống đạt trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả xử lý yêu cầu của đương sự trực tuyến trên môi trường mạng.
- Hoàn thiện quy định về xác minh điều kiện thi hành án: Quy định việc xác minh điều kiện thi hành án là quyền của đương sự để hỗ trợ cơ quan THADS và thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động THADS được ghi nhận trong Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 27/NQ-TW "thực hiện xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự với cơ chế bảo đảm và lộ trình phù hợp). Trách nhiệm chính trong việc xác minh điều kiện thi hành án vẫn là của Chấp hành viên và cơ quan THADS sẽ là người quyết định việc lựa chọn và sử dụng kết quả xác minh để làm căn cứ tổ chức thi hành án.
- Hoàn thiện cơ chế người phải thi hành án phải chịu trách nhiệm thi hành đối với toàn bộ tài sản của mình; có nghĩa vụ kê khai tài sản và pháp luật có chế tài để yêu cầu người phải thi hành án kê khai tài sản, thu nhập; trường hợp cố tình đưa mình vào tình trạng phá sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, che giấu hoặc làm hư hỏng tài sản, cản trở sai trái, đe dọa, bạo lực, chống đối người thi hành công vụ trong THADS phải bị xử lý nghiêm theo quy định.
- Quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của đương sự phải thực hiện các thủ tục để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình thi hành án và hậu quả pháp lý đối với trường hợp đương sự không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định.
- Quy định rõ những hành vi vi phạm, cố tình chống đối, trì hoãn, trốn tránh, kéo dài việc tổ chức thi hành án làm cơ sở để xem xét xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Bổ sung quy định đầy đủ tư cách, quyền và nghĩa vụ của người thứ ba bảo đảm bằng tài sản của mình thực hiện nghĩa vụ cho người phải thi hành án. Đồng thời, bổ sung một số quy định về người tham gia THADS khác như người đại diện, người phiên dịch, người chứng kiến…
Phạm Văn Ngoan
VKSND huyện Bình Giang