Để tạo cơ chế pháp lý điều chỉnh giao dịch dân sự, tôn trọng tự do ý chí của chủ thể, hạn chế rủi ro pháp lý, Bộ luật dân sự năm 2015 cũng như những Bộ luật dân sự trước đó đều có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (Điều 117 BLDS 2015). Khi giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của BLDS thì vô hiệu, trừ trường hợp BLDS có quy định khác (Điều 122 BLDS 2015). Việc xác định một giao dịch dân sự có hiệu lực hay vô hiệu giữ vai trò quan trọng bởi quyết định quyền, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
1. Thực trạng pháp luật về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 BLDS 2015 được quy định minh bạch, rõ ràng. Cụ thể như sau:
- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
Quy định này tiếp tục kế thừa quy định tại BLDS năm 2005. Các quyền, nghĩa vụ dân sự không phát sinh, thay đổi, chấm dứt là các quyền, nghĩa vụ mà giao dịch dân sự vô hiệu hướng tới. Còn quyền, nghĩa vụ của các bên phát sinh do giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải thực hiện.
- Quy định “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả” tiếp tục kế thừa quy định tại BLDS năm 2005. Tuy nhiên, thuật ngữ trong khoản 2 Điều 131 BLDS năm 2015 đã chính xác, chặt chẽ hơn so với khoản 2 Điều 137 BLDS năm 2005. Thay cụm từ “nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền” bằng “trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả”. Tức là phải bằng mọi cách để hoàn trả bằng hiện vật, nếu vật đó không còn hoặc còn nhưng không đầy đủ, không nguyên vẹn, không đúng công năng sử dụng… dẫn đến không thể hoàn trả lại được thì phải tính trị giá vật đó thành tiền để hoàn trả.
- Bỏ quy định về tịch thu tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được theo quy định của pháp luật được quy định tại Điều 137 BLDS năm 2005 bởi việc tịch thu này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hành chính, hình sự.
- Quy định rõ ràng về nghĩa vụ trả hoa lợi, lợi tức do giao dịch dân sự vô hiệu phụ thuộc vào sự ngay tình hay không ngay tình của người nhận tài sản như các quy định về hoàn trả tài sản do chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Đây là quy định cần thiết, bởi từ thời điểm giao dịch được xác lập đến khi giao dịch bị tuyên bố vô hiệu thì tài sản có thể làm phát sinh hoa lợi, lợi tức.
- Bổ sung quy định về việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân tại khoản 5. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì ngoài việc bảo vệ đầy đủ các quyền và lợi ích về tài sản thì các quyền nhân thân cũng là vấn đề quan trọng.
* Những hạn chế còn tồn tại về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu trong Bộ luật dân sự năm 2015
Thứ nhất, quy định “Khôi phục lại tình trạng ban đầu”: Mục đích của quy định này nhằm đưa đối tượng của giao dịch dân sự về trạng thái ban đầu khi giao dịch dân sự đó vô hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra hai trường hợp: Một là, một bên đã thực hiện giao dịch dân sự và đã làm giảm giá trị của tài sản, hư hỏng vật thì việc “khôi phục lại tình trạng ban đầu” là hoàn toàn phù hợp. Hai là, một bên đã thực hiện giao dịch dân sự và đã làm tăng giá trị của tài sản, tăng công năng sử dụng của vật thì việc “khôi phục lại tình trạng ban đầu” có cần thiết không và có khôi phục được không. Ví dụ: đối tượng của hợp đồng là công việc phải làm đã được thực hiện mà có căn cứ xác định đó là giao dịch dân sự vô hiệu thì việc “khôi phục lại tình trạng ban đầu” thực hiện như thế nào? Hay người chưa thành niên đang viết dở một phần mềm và người khác đã mua phần mềm viết dở từ người chưa thành niên này sau đó đã phát triển thêm ý tưởng khiến phần mềm hoàn hảo hơn nên đã bán, thu được nhiều lợi nhuận thì việc “khôi phục lại tình trạng ban đầu” thực hiện như thế nào.
Thứ hai, quy định “Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”:
Trong trường hợp, hợp đồng vô hiệu do lỗi của một chủ thể khác thì quy định của khoản 4 Điều 131 BLDS năm 2015 chưa rõ ràng và rất dễ hiểu lầm. Ví dụ, nhiều hợp đồng đã có công chứng nhưng vẫn bị Tòa án tuyên bố vô hiệu; trong khi đó, khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 quy định “công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác”. Khi hợp đồng đã công chứng bị tuyên bố vô hiệu thì công chứng viên có trách nhiệm không? Điều 131 BLDS năm 2015 quy định, “bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường” nên chỉ áp dụng cho các “bên” trong hợp đồng và không áp dụng cho công chứng viên. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 quy định tổ chức hành nghề công chứng phải “bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng”.
2. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
Từ những nghiên cứu, phân tích quy định pháp luật về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu cũng như phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng quy định này, đề xuất một số kiến nghị sau để hoàn thiện quy định pháp luật về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu.
a) Bỏ quy định “khôi phục lại tình trạng ban đầu” tại khoản 2 Điều 131. Bởi đối tượng của giao dịch là tài sản hoặc công việc phải làm. Việc “khôi phục lại tình trạng ban đầu” đối với tài sản tiêu hao và công việc phải làm là không thể thực hiện được. Còn đối với tài sản không tiêu hao thì việc “khôi phục lại tình trạng ban đầu” cũng không khả thi bởi nếu tài sản đã đưa vào sử dụng thì xảy ra hai trường hợp: một là tài sản đã hao mòn, đã giảm giá trị (Ví dụ: A mượn X chiếc xe ô tô trong 03 tháng để phục vụ việc đi lại của A, nhưng sau đó A ký hợp đồng cho B thuê chiếc xe ô tô này, B đã sử dụng xe và gây tai nạn. Việc khôi phục lại chiếc xe như khi A mượn của X là không thể). Trong trường hợp này áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hai là tài sản được tăng giá trị (ví dụ bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã thực hiện cải tạo đất, xây dựng tường rào, lối đi… Việc khôi phục lại tình trạng ban đầu trong trường hợp này sẽ gây lãng phí, không cần thiết.
b) Sửa đổi khoản 4 Điều 131 theo hướng sau: “Bên gây ra nguyên nhân chính dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu phải chịu trách nhiệm bồi thường”. Việc xác định chủ thể “khởi đầu” của giao dịch dân sự vô hiệu cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, để họ chịu trách nhiệm chính về hành vi của mình.
c) Bổ sung quy định về mức bồi thường vào Điều 131 theo hướng sau: “Mức bồi thường cho bên bị thiệt hại được tính theo lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật này”. Quy định này nhằm bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật về giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu. Đồng thời khắc phục được tình trạng căn cứ vào định giá tài sản để tính bồi thường như các bản án nêu trên. Bởi như vậy được hiểu là: nếu giao dịch dân sự này không bị vô hiệu thì bên được bồi thường đã được hưởng tài sản đó (suy đoán). Về nguyên tắc, không thể áp dụng “suy đoán” như vậy, mà phải quy định áp dụng theo quy định về lãi suất cho vay.
Việc giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu rất quan trọng nhằm bảo đảm ổn định trật tự các quan hệ dân sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan, bảo đảm dân chủ, công bằng xã hội./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bình luận khoa học Bộ Luật Dân sự năm 2015. Tập 1/Đinh Trung Tụng.HV.Tư Pháp,2021.
2. TS. Hồ Thị Vân Anh, Phó Trưởng Khoa luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế, Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu theo pháp luật Việt Nam, ngày 30/6/2021, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, http://www.lapphap.vn/Pages/ tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210784
Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Khoản 2 Điều 137 BLDS năm 2005: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền”
|
Phạm Văn Bình, Đặng Thị Phương Khanh |