Làm thế nào để các phiên tòa rút kinh nghiệm đạt kết quả tốt?
Thứ hai - 20/10/2014 23:24
Trong thời gần đây, toàn ngành Kiểm sát đã và đang tổ chức rất nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm, nhưng làm thế nào để các phiên tòa rút kinh nghiệm đạt kết quả tốt, phát huy tác dụng là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ. Trên cơ sở thực tiễn hoạt động của VKSND tỉnh Hải Dương, tôi thấy một số vấn đề cần thiết như sau:
- Thứ nhất: chúng ta cần quán triệt kỹ chương trình, kế hoạch công tác, hướng dẫn của Ngành là cơ sở cho việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Đó là Kế hoạch công tác năm, Kế hoạch thực hiện chuyên đề, Qui chế phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của các phòng nghiệp vụ.. Nghiên cứu kỹ để hiểu rõ Kế hoạch của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cho BCĐ thực hiện chuyên đề rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng THQCT và KSXXST án hình sự. Nghiên cứu kỹ Qui trình công tác THQCT và KSXXST án hình sự; Mẫu hướng dẫn ghi bút kỹ phiên tòa; Bảng chấm điểm dành cho tập thể, cá nhân tổ chức và thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm do VKSND tỉnh Hải Dương ban hành đồng thời in cho các KSV để áp dụng thường xuyên liên tục theo từng vụ án, từng phiên tòa rút kinh nghiệm.
- Thứ hai: cần chọn các phiên tòa xét xử các vụ án có khả năng KSV phải tham gia xét hỏi, tranh luận nhiều, như phiên tòa có Luật sư tham gia, có nhiều bị cáo, có nhiều người tham gia tố tụng khác, có nhiều tình tiết phức tạp; đối với vụ án ít bị cáo nhưng bị cáo chối tội, phản cung …Với những phiên tòa như vậy, KSV THQCT và KSXXHS mới bộc lộ được kỹ năng tham gia xét hỏi, tranh luận của mình, qua đó có nhiều điều để rút kinh nghiệm. (Để chọn được các vụ án đủ tiêu chí trên đòi hỏi KSV phải chủ động từ khi kiểm sát điều tra trên cơ sở nắm chắc vụ án, đề xuất kịp thời; đối với lãnh đạo lên các phương án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, phải đề cao trách nhiệm trong việc duyệt dự thảo luận tội, đề cương xét hỏi, dự kiến tranh luận cho kiểm sát viên). Không chọn tổ chức rút kinh nghiệm đối với các phiên tòa đơn giản, bị cáo bị bắt quả tang, bị cáo nhận hết tội vì như vậy thường kiểm sát viên không cần phải tham gia xét hỏi và không có gì phải tranh luận nên chỉ có nội dung rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị các tài liệu phục vụ việc tham gia phiên tòa, việc KSXX tại phiên tòa…mà không có nội dung rút kinh nghiệm về nâng cao chất lượng tranh tụng- điều mà ngành Kiểm sát đang chú trọng để nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
- Thứ ba: phải phối hợp chặt chẽ với Tòa án từ việc chọn vụ án và các điều kiện khác phục vụ xét xử như chọn hội trường xét xử, chọn trang bị âm thanh đảm bảo chất lượng, lực lượng bảo vệ phiên tòa... Nếu không như vậy thì người tham dự rất khó theo dõi phiên tòa, nhất là các phiên tòa xét xử lưu động, dẫn đến chất lượng ý kiến tham gia rút kinh nghiệm không cao.
- Thứ tư: các đơn vị cần tổ chức cho nhiều cán bộ lãnh đạo, kiểm sát viên, chuyên viên ở nhiều cấp, nhiều đơn vị tham dự ( nếu tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm mở rộng), theo dõi phiên tòa. Cung cấp các văn bản như Cáo trạng, dự thảo luận tội, đề cương tham gia xét hỏi, dự kiến tranh luận của kiểm sát viên (nếu có) để cho những người tham dự tiện theo dõi. Những người tham dự phiên tòa cần tham dự nghiêm túc, bảo quản tài liệu, không để thất lạc; đặc biệt cần chăm chú theo dõi phiên tòa phát hiện ra những tình tiết, diễn biến mới và cách xử lý của những người tiến hành tố tụng, thao tác nghiệp vụ của KSV.
- Thứ năm: sau phiên tòa cần tổ chức họp rút kinh nghiệm ngay, mời tất cả những người theo dõi phiên tòa phát biểu ý kiến một cách thẳng thắn, vô tư, trên tinh thần xây dựng. Cuối buổi họp người chủ trì cần đánh giá lại các ý kiến và đưa ra kết luận về mức độ thành công của công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của đơn vị, mức độ hoàn thành trách nhiệm của KSV THQCT và KSXXHS tại phiên tòa, những kinh nghiệm quan trọng cần rút ra, những điều cần thực hiện ngay. ( Biên bản rút kinh nghiệm ở các phiên tòa tự rút kinh nghiệm, Bản án và các tài liệu có liên quan các đơn vị cần gửi về cho Phòng 3 và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo để theo dõi, tổng hợp).
- Thứ sáu: chắt lọc, tổng hợp những kinh nghiệm từ các phiên tòa để rút kinh nghiệm chung cho toàn đơn vị hay cho toàn ngành (được thể hiện ở các báo cáo sơ kết chuyên đề 6 tháng, một năm của VKSND tỉnh) và được thảo luận kỹ ở các hội nghị chuyên đề. Vì vậy, những kinh nghiệm riêng đã thành kinh nghiệm chung, tất cả kiểm sát viên đều được nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành.
Nếu thực hiện tốt sáu nội dung trên sẽ giúp cho công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đạt hiệu quả, phát huy tác dụng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tham gia xét xử tại phiên tòa, kỹ năng xét hỏi và tranh luận của kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, góp phần nâng cao uy tín của ngành Kiểm sát nhân dân.
Tuy vậy, để có hoạt động thống nhất trong ngành trên phạm vi cả nước, đề nghị VKSND Tối cao có văn bản hướng dẫn chính thức về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, đồng thời có chế độ bồi dưỡng, khen thưởng đối với những đơn vị, cá nhân tổ chức thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm để thể hiện sự quan tâm, động viên tới công tác này.