Áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiề

Thứ sáu - 21/11/2014 01:47
          Trong thời gian qua, việc áp dụng pháp luật khi áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với người phạm tội còn có nhiều nhận thức khác nhau trong quá trình tiến hành tố tụng nên phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác xét xử và tính khả thi khi tổ chức thi hành bản án về phần quyết định hình phạt bổ sung. Do vậy, việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXXST các vụ án hình sự đối với tội phạm mà Bộ luật hình sự có quy định việc áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền là cần thiết và đảm bảo tính khả thi khi áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền.
          Trước hết về cơ sở pháp lý cần phải nhận thức rằng hình phạt bổ sung đó là một dạng hình phạt nhẹ hơn hình phạt chính, được Tòa án tuyên kèm với hình phạt chính mà không được tuyên độc lập, để hỗ trợ tăng cường sự răn đe, giáo dục của hình phạt chính đối với người bị kết án. Việc áp dụng hình phạt bổ sung có thể là bắt buộc hoặc tùy nghi, tức là trong trường hợp điều luật về tội phạm cụ thể quy định cho phép tuỳ nghi áp dụng hình phạt bổ sung thì Toà án phải lựa chọn việc áp dụng hình phạt bổ sung cho phù hợp. Ví dụ như đối với tội phạm về ma túy được quy định Điều 192 đến Điều 201 thuộc Chương XVIII- Các tội phạm về ma túy, tại các khoản cuối cùng của các điều luật này đều có quy định “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ…” ; như vậy, trong trường hợp này điều luật quy định tuỳ nghi, “có thể bị” áp dụng tức là có thể có hoặc có thể không áp dụng.
          Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Bộ luật hình sự, hình phạt bổ sung bao gồm 07 loại hình phạt trong đó có hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung khi không áp dụng là hình phạt chính. Phạt tiền là hình phạt tước bỏ một phần quyền, lợi ích về tài sản của người phạm tội thể hiện ở việc tước của người bị kết án một khoản tiền nhất định tác động đến điều kiện kinh tế của họ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Bộ luật hình sự hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội do Bộ luật hình sự quy định; khi áp dụng hình phạt chính là hình phạt khác, nhưng xét thấy áp dụng thêm hình phạt bổ sung là hình phạt tiền để hỗ trợ hình phạt chính và đảm bảo mục đích của hình phạt.
          Khi quyết định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, ngoài căn cứ quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự còn phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá cả. Có nghĩa là khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm một trong các tội mà Bộ luật hình sự có quy định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung thì điều kiện áp dụng và mức phạt  tiền sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, điều kiện kinh tế của người phạm tội và sự biến động của giá cả tại thời điểm xét xử..
          Điều 30 Bộ luật  hình sự không quy định mức tối đa của phạt tiền, nhưng nếu Tòa án áp dụng hình phạt tiền thì số tiền tuyên phạt tối thiểu là một triệu đồng. Điều 30 Bộ luật hình sự quy định “Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Toà án quyết định trong bản án” tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án nếu khả năng kinh tế chưa cho phép thì họ có thể nộp tiền phạt làm nhiều lần mà không cần phải nộp ngay làm một lần. Điều này thể hiện việc áp dụng hình phạt tiền có tính khả thi và thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta trong xử lý tội phạm.
          Như vậy để áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đảm bảo tính có căn cứ thì ngoài quy phạm tùy nghi tại các điều luật thuộc Chương XVIII của Bộ luật  hình sự quy định các tội phạm về ma túy thì cần phải căn cứ vào quy định tại Điều 30 và Điều 45 Bộ luật  hình sự.
          Xuất phát từ thực tiễn trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự đối với tội phạm có quy định việc áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền còn có một số tồn tại như: Quá trình điều tra trong chưa đề ra nội dung yêu cầu điều tra làm rõ tình hình tài sản, thu nhập của bị can; khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa chưa chủ động xét hỏi hoặc đề nghị Hội đồng xét xử công bố các tài liệu chứng minh tình hình tài sản, nghề nghiệp và thu nhập của bị cáo; khi kiểm sát các bản án chưa nghiên cứu kỹ việc Hội đồng xét xử nhận định, đánh giá áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với người phạm tội chỉ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội và quy phạm tùy nghi để quyết định hình phạt bổ sung, khi bị cáo chỉ có nghề nghiệp lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp, thu nhập không có hay không ổn định, do vậy dẫn đến khi tổ chức thi hành hình phạt bổ sung thiếu tính khả khi trên thực tiễn, nhất là đối với những trường hợp phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy với mục đích để sử dụng, trọng lượng không lớn.
          Từ nhận thức và thực tiễn công tác thấy rằng để việc áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với người phạm tội về một tội phạm mà Bộ luật hình sự có quy định hình phạt bổ sung là hình phạt tiền được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật hình sự, có tính khả thi trên thực tiễn, tôi xin được trao đổi một số kinh nghiệm sau:
          Một là, trong công tác thực hành quyền công tố, KSĐT, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, điều kiện kinh tế và thu nhập của người phạm tội; đánh giá đầy đủ, khách quan về tính chất, mức độ nghiêm trọng đối với hành vi của người phạm tội. Để thực hiện, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ ngay từ khi khởi tố vụ án hình sự, đề ra yêu cầu điều tra ngay từ đầu và kiểm sát việc điều tra của Điều tra viên.
          Hai là, trong công tác thực hành quyền Công tố, KSXX, Kiểm sát viên  phải nghiên cứu và nắm đầy đủ các điều kiện cần và đủ để áp dụng hình phạt bổ sung đã thu thập trong quá trình điều tra để khi đề xuất đến lãnh đạo đơn vị về đường lối xử lý người phạm tội trong đó có nội dung đề xuất áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp luật. Khi tham gia phiên tòa cần chủ động xét hỏi bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…đối với các điều kiện cần và đủ để áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền; cần thiết thì đề nghị Hội đồng xét xử công bố các tài liệu chứng minh tình hình tài sản, nghề nghiệp và thu nhập của bị cáo. Trên cơ sở đó đề  nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền trong bản luận tội và kiểm sát việc xét xử của Hội đồng xét xử , việc ra bản án phải nhận xét, nêu rõ được các điều kiện cần và đủ để áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật và có tính khả thi cao.
          Ba là, lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXXST án hình sự; việc Kiểm sát viên thực hiện các quy định về phối hợp trong công tác điều tra và kiểm sát điều tra tại Quy chế số 01/QCPH-LN ngày 23/5/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương và Công an tỉnh Hải Dương.
          Trên đây là một số ý kiến của cá nhân tôi, xin đưa ra để các đồng nghiệp cùng trao đổi.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây