Cần sửa đổi, bổ sung Điều 117 BLTTHS qui định về nhập vụ án hình sự
Thứ năm - 30/10/2014 21:19
Trong thời gian qua, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tại một số địa phương bộc lộ hiểu và làm không đúng Điều 117 BLTTHS qui định về nhập vụ án hình sự, trong đó có một số trường hợp như sau:
- Có vụ án bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản 2 vụ, ở 2 nơi ( trong cùng một huyện ), trong 2 ngày liền sát nhau, nhưng lại không nhập làm một. Trường hợp khác là: bị cáo chiếm đoạt 2 xe mô tô của cùng một người ở 2 huyện khác nhau, trong thời gian ngắn, việc chiếm đoạt xe mô tô trước là điều kiện cho việc chiếm đoạt mô tô sau, nhưng 2 vụ án lại không được nhập làm một. Hai trường hợp đó dẫn đến hệ quả là công tác xử lý đối với các bị can, bị cáo phát sinh việc gần gấp 2 lần, gây tốn kém không cần thiết, các bị cáo thường bị hình phạt nặng hơn, do bị áp dụng hình phạt 2 lần rồi cộng vào, tác dụng giáo dục, phòng ngừa hạn chế.
- Các bị cáo phạm tội chiếm đoạt tài sản rồi gửi hoặc bán tài sản cho người ở địa phương khác dẫn đến việc khởi tố 2 vụ án khác nhau, cơ quan Công an khởi tố điều tra vụ án chiếm đoạt tài sản chỉ gửi tài liệu, tin báo người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản cho công an địa phương bạn biết, còn hồ sơ không phản ánh địa phương đó đã nhận được tài liệu, tin báo hay chưa, đã khởi tố vụ án hình sự về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay chưa? Rất dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
- Vụ án Vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (tạm gọi là vụ án 1) và vụ án Giao tay lái cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ( vụ án 2) không được nhập làm một, khi bị can ở vụ án 2 giao tay lái cho bị can ở vụ án 1. Hệ quả của nó là các tài liệu chứng cứ gần như phải sao làm 2, khi xét xử thì cả hai vụ gần như phải xét hỏi như nhau vì vụ án 1 là cơ sở để xử lý vụ án 2. Nếu bị cáo trong vụ án kia không tới phiên tòa xét xử vụ án này thì dẫn đến xét hỏi không đầy đủ, ảnh hưởng tới việc xác định sự thật khách quan của vụ án, hơn nữa tác dụng giáo dục, phòng ngừa đối với hai tội phạm trên sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Tất cả các trường hợp trên là đều không đúng qui định của Bộ luật tố tụng hình sự. Điều 117 BLTTHS qui định:
“ 1.Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm qui định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.
2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan toàn diện vụ án…”
Ở khoản 1 Điều luật trên có từ “ có thể” chứ không phải là từ “ chỉ được”, như vậy nói một cách dễ hiểu là đầu vào của của việc nhập là “ mở ”, không cấm nhập vụ này với vụ kia nếu xét thấy hợp lý. Mặt khác ở khoản 2 Điều 117 nêu trên có từ “ chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết”, có nghĩa là “đầu ra” của việc nhập “rất hẹp”. Vì sao lại chặt chẽ như vậy? Là vì để “ không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan toàn diện vụ án…”
Xác định sự thật khách quan toàn diện vụ án đó chính là mục tiêu của điều luật. Chỉ như vậy mới xác định rõ được nguyên nhân, điều kiện, động cơ, mục đích, thủ đoạn, phương pháp phạm tội để xử lý bị cáo một cách chuẩn xác, thực hiện công tác giáo dục phòng ngừa hiệu quả và ít tốn kém nhất. Đó là tinh thần của Điều luật.
Nguyên nhân của những việc làm không đúng trên là do Điều 117 BLTTHS chưa qui định rõ ràng, đầy đủ và liên nghành tư pháp Trung ương chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc nhập vụ án hình sự. Mặt khác có thể do các cơ quan tố tụng sợ nhập vụ án hình sự sai sẽ bị trả lại hồ sơ như qui định tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010.
Vì vậy vấn đề đặt ra là:
Trước hết các địa phương có các dạng án nêu trên cần xem xét nhập vụ án để điều tra, truy tố xét xử một lần. Riêng trường hợp đầu tiên không cần phải xem xét vì đã quá rõ ràng.
Đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 117 BLTTHS (hiện nay dự thảo chưa sửa...), trong đó xác định rõ những trường hợp nào thì được nhập vụ án, trường hợp nào phải nhập vụ án, trường hợp nào thì được tách vụ án; đồng thời có qui định về mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng, giữa các địa phương trong việc nhập vụ án và các thủ tục tố tụng phù hợp để không trái với Điều 171 BLTTHS qui định về thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ.