Áp dụng điểm h, khoản 1 Điều 46 BLHS như thế nào cho đúng?
Thứ năm - 18/12/2014 22:31
Khi áp dụng hình phạt đối với bị cáo, HĐXX bao giờ cũng phải xác định các tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo. Có những vụ án việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo sẽ mang tính chất quyết định trong việc có cho bị cáo được hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo Điều 47 BLHS hay không, có cho bị cáo được hưởng án treo hay không? Vì vậy việc xác định các tình tiết giảm nhẹ một cách đúng đắn là rất quan trọng. Trong các tình tiết qui định tại Điều 46 BLHS thì tình tiết, điểm h ( khoản 1)- phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là tình tiết chưa có hướng dẫn và nhiều người còn hiểu khác nhau.
Có người cho rằng cứ phạm tội ít nghiêm trọng và lần đầu phạm tội thì có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cho bị cáo. Hay có người khác cho rằng cứ lần đầu phạm tội mà là do cơ hội, không dự mưu thì được áp dụng điểm h, khoản 1 Điều 46 BLHS…
Cả hai quan điểm trên đều chưa đúng. Tuy điểm h, khoản 1 Điều 46 BLHS (phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng) chưa được hướng dẫn áp dụng nhưng qua nội dung qui định chúng ta có thể hiểu là: Trường hợp ít nghiêm trọng khác với tội ít nghiêm trọng và trường hợp ít nghiêm trọng có thể có ở vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là hành vi phạm tội của từng bị cáo cụ thể mà có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội ở mức rất thấp so với mức độ gây nguy hại trung bình cho xã hội bởi tội danh bị áp dụng. Việc bị phạm tội do bột phát hay có dự mưu chỉ là một phần (ý thức chủ quan) trong việc đánh giá bị cáo có phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng hay không. Bị cáo nào phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (nêu trên) thì được áp dụng điểm h, khoản 1 Điều 46 BLHS. Thông thường áp dụng cho các bị cáo trong vụ án có đồng phạm. VD trong vụ án giết người cũng có thể cho một bị cáo được áp dụng điểm h, khoản 1 Điều 46 BLHS khi bị cáo có vị trí vai trò thấp nhất, hành vi cụ thể của bị cáo có tính chất mức độ nguy hiểm rất thấp.
Do đó, đối với các bị cáo phạm tội trong trường hợp bình thường như đa số bị cáo khác; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội không thấp hơn những trường hợp thông thường thì không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS.
Việc áp dụng không đúng điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS sẽ dẫn đến việc đánh giá sai tính chất, mức độ phạm tội và áp dụng hình phạt nhẹ đối với bị cáo, dẫn đến không trừng trị thích đáng hành vi phạm tội của các bị cáo, mục đích khác của hình phạt không đạt được đầy đủ vì vậy các cơ quan tố tụng cần cân nhắc áp dụng cho đúng. Đây là một vấn đề phức tạp, rất mong đồng nghiệp quan tâm cùng trao đổi để thống nhất nhận thức.