Bàn về việc thế nào là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu trong các vụ án dân sự

Thứ tư - 26/11/2014 21:13
          Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 58 BLTTDS thì đương sự  có quyền " Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này". Do vậy tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS có quy định " Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự, nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu".
          Vậy thế nào là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu? Vấn đề này hiện nay còn có nhiều nhận thức khác nhau dẫn đến áp dụng pháp luật một cách tuỳ tiện, không thống nhất .
          Tại điểm 6 mục III Nghị quyết số 02/2006/NQ- HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai thủ tục giải quyết các vụ án tại toà cấp sơ thẩm có ghi:    " Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên toà chỉ được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu được thể hiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan".
Trong thực tế khi thực hiện chức năng kiểm sát tại các phiên toà sơ thẩm dân sự thấy có các tình huống phát sinh như sau:
          1. Vượt quá về mặt quan hệ pháp luật: Nếu tại phiên toà, đương sự bổ sung yêu cầu nhưng là yêu cầu mới, chưa đưa ra trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và chưa được xem xét thì có thể nói đây là yêu cầu vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu. HĐXX có thể căn cứ Điều 218 BLTTDS không chấp nhận yêu cầu bổ sung đó.
          2. Vượt quá về mặt giá trị yêu cầu: Nếu tại phiên toà đương sự bổ sung tăng giá trị yêu cầu trong cùng một quan hệ pháp luật tranh chấp thì có được xem là vượt quá yêu cầu ban đầu không?
          Ví dụ: - Tại đơn yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan chỉ yêu cầu nguyên đơn, bị đơn thanh toán nợ chung trong thời kỳ hôn nhân là 50 triệu đồng nhưng tại phiên toà lại yêu cầu họ phải thanh toán số tiền 70 triệu đồng. Hoặc trong vụ án tranh chấp Hợp đồng vay tài sản, nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả số tiền gốc là 100 triệu đồng nhưng tại phiên toà lại yêu cầu bị đơn phải thanh toán số tiền gốc đó cùng với số lãi chậm trả.
          Ở nội dung này, hiện có các quan điểm giải quyết như sau:
          Quan điểm thứ nhất cho rằng đây không phải là vượt quá yêu cầu ban đầu vì dù vượt về số lượng nhưng nó lại nằm trong quan hệ pháp luật chính đang được Toà án giải quyết nên HĐXX chấp nhận yêu cầu bổ sung đó.
          Quan điểm thứ hai lại cho rằng đây là vượt quá yêu cầu ban đầu ( vượt quá nội dung đơn yêu cầu  ban đầu) do vậy phải giải quyết đúng theo các trình tự của BLTTDS như  yêu cầu phải nộp tạm ứng án phí, Toà án phải tổ chức hoà giải trước khi đưa vụ án ra xét xử... nên HĐXX không chấp nhận yêu cầu bổ sung đó.
          Trong phạm vi bài viết này, tôi mong muốn nhận được nhiều sự trao đổi của các bạn để đi đến nhận thức thống nhất, từ đó có thể làm căn cứ để tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự ./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây