- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Tại Khoản 5, Điều 88 BLTTS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án… Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.”.
Quá trình thanh tra thấy, việc thực hiện quy định trên có những cách hiểu và thực hiện khác nhau đó là:
Quan điểm thứ nhất: Khoản 5 Điều 88 BLTTHS 2015 chỉ đề cập đến Biên bản về hoạt động điều tra; Biên bản hoạt động điều tra được coi là những Biên bản, tài liệu được lập, thu thập từ sau khi khởi tố vụ án. “Biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm ” là các biên bản được lập trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm khác với “Biên bản về hoạt động điều tra ” là những biên bản được lập sau khi có Quyết định khởi tố vụ án hình sự. Do vậy, CQĐT và VKS chỉ thực hiện việc bàn giao tài liệu và đóng dấu bút lục đối với biên bản, tài liệu thu thập (khi không có KSV tham gia) sau khi khởi tố vụ án hình sự, còn giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm không phải thực hiện Khoản 5 Điều 88 BLTTHS 2015.
Từ nhận thức này nên nhiều đơn vị (CQĐT & VKSND) không thực hiện việc giao nhận và đóng dấu bút lục của VKSND đối với các tài liệu do CQĐT thu thập trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định tại Khoản 5 Điều 88 BLTTHS 2015 mà chỉ thực hiện việc giao nhận và VKSND đóng dấu bút lục đối với Biên bản, tài liệu mà KSV không trực tiếp kiểm sát sau khi khởi tố vụ án hình sự.
Quan điểm thứ hai: Việc giao nhận tài liệu điều tra và đóng dấu bút lục của VKSND (khi không có Kiểm sát viên tham gia) không chỉ phải thực hiện ở giai đoạn điều tra mà còn phải được thực hiện đối với cả những biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh và những tài liệu do CQĐT thu thập, nhận được trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Tôi đồng ý với quan điểm này, dựa trên những căn cứ sau:
- Tại Điều 86 BLTTHS quy định về chứng cứ như sau: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”
- Tại Khoản 1, Điều 87 BLTTHS quy định về nguồn chứng cứ: “1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: a) Vật chứng; b) Lời khai, lời trình bày; c) Dữ liệu điện tử; d) Kết luận giám định, định giá tài sản; đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; g) Các tài liệu, đồ vật khác.”;
- Tại Điều 102 BLTTHS 2015 quy định Biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử: “Những tình tiết được ghi trong biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được lập theo quy định của Bộ luật này có thể được coi là chứng cứ”.
Theo các quy định trên thì: các tài liệu do CQĐT thu thập được trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đều phải được thu thập theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, đảm bảo đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ để làm căn cứ khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự; VKSND có trách nhiệm kiểm sát việc thu thập các tài liệu này để đảm bảo thực hiện chức năng “Thực hành quyền công tố từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”, các Biên bản kiểm tra, xác minh được xác lập trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng chính là các Biên bản điều tra (có chăng chỉ khác nhau về tên gọi thông thường), trên thực tế nó đều tồn tại dưới các dạng: Biên bản ghi lời khai, Biên bản xác minh, Biên bản thu giữ vật chứng, Biên bản khám xét khẩn cấp, Kết luận giám định.v.v. đây đều là những tài liệu thuộc về nguồn chứng cứ và nó được dùng làm căn cứ để chứng minh “có hay không có hành vi phạm tội” để khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự; các tài liệu này tồn tại trong hồ sơ trong suốt quá trình giải quyết vụ án và phải được VKSND kiểm sát chặt chẽ để đảm bảo nó được coi là “nguồn chứng cứ thự sự, chắc chắn ” để đưa vào hệ thống chứng cứ trong mỗi hồ sơ vụ án.
Do vậy, các hoạt động thu thập tài liệu trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT mà không có Kiểm sát viên tham gia đều phải chuyển cho VKSND theo quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS, nếu không thực hiện thì sẽ không đảm bảo tính hợp pháp của chứng cứ.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi để các đồng nghiệp tham khảo./.
Vũ Quang Vinh Thanh tra - VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.