Những vướng mắc bất cập trong vấn đề giám định tư pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Thứ tư - 26/09/2018 00:16

Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn và công cuộc cải cách tư pháp, đấu tranh chống tội phạm, công tác giám định tư pháp đã góp phần  không nhỏ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Theo quy định tại điều 206 của BLTTHS năm 2015, thì các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, trong đó có quy định là giám định thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động; vàng, bạc, kim khí quý, đá quý...;

Tuy nhiên qua thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập như sau:

- Đối với vấn đề giám định thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe trong các vụ án xâm phạm đến sức khỏe của người khác như loại tội: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác; tội vi phạm quy định về an toàn giao thông...mà cấu thành cơ bản để định tội là phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể theo quy định của BLHS năm 2015 thì Cơ quan điều tra mới khởi tố vụ án hình sự được.

Nhưng có nhiều vụ án người bị hại từ chối giám định hoặc bỏ đi làm ăn xa, không thực hiện việc triệu tập hoặc dẫn giải của Cơ quan điều tra để đi giám định, trong khi đó theo quy định tại khoản 1 và khoản 2  điều 2 Thông tư số 20 ngày 12/6/2014 của Bộ y tế quy định:

1. Giám định để xác định tỷ lệ % TTCT phải được thực hiện trên đối tượng cần giám định, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Giám định để xác định tỷ lệ % TTCT được thực hiện qua (trên) hồ sơ trong trường hợp người cần được giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy việc giám định qua hồ sơ được thực hiện trong trường hợp người cần được giám định chết hoặc mất tích hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản nào của cấp có thẩm quyền hướng dẫn trường hợp khác là như thế nào. Do vậy dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các tổ chức giám định. Có Tổ chức giám định pháp y thì đồng ý giám định qua hồ sơ đối với trường hợp người bị hại từ chối giám định. Nhưng có Tổ chức giám định pháp y thì yêu cầu phải có đối tượng giám định ( người bị thương tích) trực tiếp đến thì mới tiến hành giám định, không tiến hành giám định qua hồ sơ nếu không thuộc trường hợp chết hoặc mất tích, đối với trường hợp người bị hại từ chối giám định mà cơ quan điều tra không dẫn giải được, thì không tiến hành giám định, nên dẫn đến việc không thể xử lý được vụ việc hoặc kéo dài thời hạn giải quyết.

- Trường hợp giám định vàng, bạc, kim khí quý, đá quý...; đây là trường hợp bắt buộc phải giám định, mà BLTTHS năm 2015 quy định khác với quy định của BLTTHS năm 2003.         

Tuy nhiên qua thực tiễn công tác điều tra, truy tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát còn gặp vướng mắc, bất cập cụ thể:

Đối với các vụ án hình sự về loại tội xâm phạm sở hữu hoặc chiếm đoạt tài sản mà đối tượng bị chiếm đoạt là vàng, bạc, đá quý, nhưng trong quá trình điều tra không thu giữ được tang vật, nên khi tiến hành trưng cầu giám định ( chỉ kèm theo các tài liệu như lời khai của bị hại hoặc các tài liệu khác), thì Tổ chức giám định từ chối giám định vì không có đối tượng để giám định, dẫn đến Hội đồng định giá không thể định giá được tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu, vì nguyên tắc phải xác định được tuổi vàng, bạc hoặc loại đá quý, trọng lượng là bao nhiêu thì Hội đồng định giá mới định giá được giá trị tài sản. Cho nên các vụ án trên không đủ căn cứ để giải quyết, vì yếu tố cấu thành định tội hoặc định khung là bắt buộc phải có định lượng ( trị giá tài sản bị chiếm đoạt). Nếu cứ tiến hành định giá tài sản mà không căn cứ vào kết luận giám định, thì lại vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Vậy đề nghị Cấp có thẩm quyền cần sửa đổi bổ sung hoặc hướng dẫn:

- Việc giám định tỷ lệ tổn thương qua hồ sơ trong các trường hợp khác, là những trường hợp nào? Để các tổ chức giám định pháp y có cách hiểu và áp dụng thống nhất.

- Trong trường hợp nào thì tiến hành giám định hoặc trường hợp nào không cần thiết phải giám định vàng, bạc, đá quý. Việc sử dụng kết luận định giá tài sản là vàng, bạc, đá quý khi không phải căn cứ vào kết luận giám định. Nhằm đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được kịp thời, triệt để./.

                                                                                      Vũ Hoàng Ninh
VKSND huyện Tứ Kỳ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây