Vướng mắc khi nghiên cứu thực hiện Điều 134 và 260 BLHS

Thứ sáu - 03/08/2018 03:33

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS) và Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS), thường được coi là tội có cấu thành vật chất,  bởi Điều luật quy định  hậu quả của Tội Cố ý gây thương tích, Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là: có người bị  thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe, có người  chết, có tài sản bị thiệt hại;

Trong thực tiễn, nếu không xác định được nguyên nhân chết, tỷ lệ tổn thương cơ thể, thiệt hại tài sản trong các vụ Cố ý gây thương tích, Tai nạn giao thông đường bộ, thì rất khó khăn khi xem xét trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi gây thương tích, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ;

Điều 134 khoản 6 quy định: Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Điều 260 khoản 4 quy định: Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Như vậy: Điều luật quy định nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); có khả năng thực tế dẫn đến hậu quảnếu không được ngăn chặn kịp thời (Điều 260), có thể hiểu là hậu quả  người chết, người bị thương, thiệt hại tài sản chưa xảy ra.

Luật định: Chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích, phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 14 BLHS); Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, giai đoạn phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự; Sẽ là không khó khi đối chiếu hành vi của chủ thể để xử lý; nhưng như đã nêu trên, sẽ là không dễ để xác định hậu quả mà chủ thể nhằm tới, hậu quả có thể gây ra mà ngăn chặn được;

Để chứng minh Người Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả  làm chết 3 người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, không phải đơn giản và bắt buộc phải có kết quả giám định, định giá tài sản; nếu được ngăn chặn kịp thời thì sẽ không có thiệt hại và đồng nghĩa với việc không có căn cứ định giá, giám định. Xử lý hành vi, không có hậu quả;

Chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, có bị xem xét xử lý về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305); tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 306) hay không?

Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017 đã quy định thế nào là vũ khí; vũ khí quân dụng; Súng săn , Vũ khí thô sơ ; Vũ khí thể thao; Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự ; Vật liệu nổ ; Vật liệu nổ quân dụng;. Vật liệu nổ công nghiệp; Tiền chất thuốc nổ ; Công cụ hỗ trợ;

Điều 4 Thông tư số 16/2018/TT-BCA ngày 15/5/2018 của Bộ Công an Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Quy định Danh mục vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ (Danh mục vũ khí thể thao (15 loại); b) Phụ lục 2: Danh mục công cụ hỗ trợ (37 loại).

Nếu đã xử lý tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 khoản 6 BLHS thì không xử lý hành vi tàng trữ sử dụng vũ khí trái phép…căn cứ của quan điểm này: vận dụng Điều 52 khoản 2 BLHS các tình tiết đã được coi là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không coi là tình tiết tăng nặng; Điều 14 Bộ luật tố tụng hình sự: không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. Quan điểm khác cho rằng: nếu số vũ khí, vật liệu nổ nằm trong danh mục đã được quy định, người sử dụng nó có đầy đủ năng lực chủ thể, thì phải xử lý trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng và tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 khoản 6 BLHS, người theo quan điểm này căn cứ thực tiễn vụ án hình sự cụ thể Người sử dụng súng quân dụng (vũ khí) giết người đã bị xử lý 2 tội: Giết người và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Chúng tôi cho rằng đây là những vướng mắc cần được cấp có thẩm quyền hướng dẫn, giải thích ngay; khi chưa có hướng dẫn, thì chỉ xử lý người chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm theo Điều 305, Điều 306 BLHS, khi hành vi của họ có đủ dấu hiệu định tội;

                                                                                                   Nguyễn Quang Trung
Phòng 7- VKSND tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây