- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định 137/2020) Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021 thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định 137/2020 có nhiều quy định mới, trong đó có quy định về tiêu hủy pháo nổ.
Theo Điều 7 Nghị định 137/2020 Thẩm quyền tiêu hủy thuộc Thủ trưởng cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện. Phương pháp tiêu hủy a) Đối với các loại pháo, vỏ bằng vật liệu không chịu nước thì phải tháo bỏ hộp, giấy bảo quản, sau đó ngâm vào nước cho đến khi vỏ và thành phẩm tách rời nhau. Tiến hành vớt các vật liệu bằng giấy, bìa, cặn không tan trong nước để riêng, đem phơi khô và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp; đối với nước có chứa hóa chất còn lại phải chôn lấp tại các địa điểm đã được Thủ trưởng cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện trở lên phê duyệt; b) Đối với các loại pháo, vỏ bằng vật liệu chịu nước thì phải tháo bỏ tách riêng phần vỏ và thuốc pháo. Đối với vỏ thì tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp; thuốc pháo phải ngâm vào nước cho đến khi thuốc pháo ngậm đủ nước làm mất tính năng nổ, cặn không tan đem phơi khô và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp tại các địa điểm đã được Thủ trưởng cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện trở lên phê duyệt; c) Đối với thuốc pháo thực hiện như tiêu hủy thuốc pháo quy định tại điểm b khoản này. Trình tự, thủ tục tiêu hủy a) Sau khi có quyết định tiêu hủy của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp huyện trở lên phải thành lập Hội đồng tiêu hủy và xây dựng phương án tiêu hủy. Thành phần Hội đồng tiêu hủy bao gồm: Đại diện cơ quan tiêu hủy là Chủ tịch Hội đồng; đại diện cơ quan kỹ thuật chuyên ngành và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng. Phương án tiêu hủy phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường; b) Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra lại hiện trường, bảo đảm tất cả pháo tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng. Địa điểm tiêu hủy phải biệt lập, cách xa nơi dân cư, công trình công cộng và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Pháo nổ là vật chứng, vật thuộc loại nhà nước cấm tàng trữ lưu hành, phải tịch thu tiêu hủy;
Thẩm quyền xử lý vật chứng được quy định tại Điều 106 BLTTHS, theo đó: (1) Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra. (2) Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố thì do (3) Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử (4). Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã được đưa ra xét xử.
Do Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020), nên việc bảo quản vật chứng theo quy định tại Điều 90 BLTTHS gặp không ít khó khăn, khi hệ thống kho vật chứng của cơ quan Công an, Cơ quan thi hành án dân sự chưa đáp ứng được yêu cầu an toàn; vì vậy trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, pháo nổ phải được xử lý ngay sau khi đã có Kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền về trọng lượng, thành phần, tính năng tác dụng, mà không chờ đến khi vụ án được đình chỉ hoặc đưa ra xét xử. Phương pháp xử lý pháo nổ đang được thực hiện: Cơ quan điều tra chủ trì việc tiêu hủy với thành phần Kiểm sát viên VKSND, Thẩm phán TAND, người chứng kiến. Toàn bộ quá trình tiêu hủy được chụp ảnh, ghi hành đưa vào hồ sơ vụ án, tài liệu này được coi là căn cứ xử lý vật chứng. Đây là cách làm hiệu quả hiện nay, vừa đảm bảo yêu cầu giải quyết vụ án, vừa đảm bảo an toàn khi xử lý vật chứng là pháo nổ.
Nội dung mới đặt ra khi thực hiện Nghị định 137/2020 từ ngày 11/01/2021 là: Cơ quan điều tra Công an cấp huyện phải thành lập Hội đồng tiêu hủy và xây dựng phương án tiêu hủy. Thành phần Hội đồng tiêu hủy bao gồm: Đại diện Cơ quan điều tra Công an cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Viện KSND, đại diện Phòng tài nguyên và môi trường thuộc UBND cấp huyện, đại diện TAND cấp huyện và đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy và phải có người chứng kiến việc tiêu hủy.
Để đảm bảo quy định Bộ luật tố tụng hình sự trong kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong vụ án hình sự, nhất là khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử, thì việc tiêu hủy vật chứng là pháo nổ trong vụ án hình sự, bắt buộc phải chụp ảnh, ghi hình và lập biên bản theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Nguồn ảnh: internet
Nguyễn Quang Trung P7- VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.