Tổng hợp điểm mới của một số Luật, Bộ luật có hiệu lực từ 01/01/2021

Thứ sáu - 05/02/2021 03:56

1. Bộ luật Lao động 2019

            Bộ luật Lao động 2019 có nhiều nội dung mới nổi bật có thể kể đến như:

            - Chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động: hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

            -  Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do.

            - Chấp nhận hợp đồng lao động được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu. 

            - Người lao động được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9 và hưởng nguyên lương.

            - Người sử dụng lao động phải chịu chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng…

            2. Luật Chứng khoán 2019

            Luật chứng khoán 2019 có một số quy định mới nổi bật sau đây:

            Thứ nhất, Thành lập Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Theo quy định tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

            Thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam bao gồm:

            - Thành viên lưu ký là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán và được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên lưu ký;

            - Thành viên bù trừ là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán và được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên bù trừ.

            Thứ hai, bổ sung hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đơn cử như:

            - Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

            - Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.

            Thứ ba, phải niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn sau khi kết thúc đợt chào bán. Điểm h khoản 1 Điều 15 quy định một trong những điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần đó là “Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán”.

            Tương tự đối với việc chào bán trái phiếu ra công chúng thì Tổ chức phát hành cũng phải có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

            Thứ tư, Công ty đại chúng chỉ được chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nếu có lãi.

            3. Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020

            Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 có một số nội dung đáng chú ý sau đây:

            Thứ nhất, mở rộng phạm vi của giám định tư pháp. Phạm vi giám định tư pháp đã được mở rộng theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành (khoản 1 Điều 2).

            Thứ hai, bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp. Nhằm giúp giám định viên thuận lợi trong việc chứng minh tư cách giám định viên tư pháp, Luật mới đã bổ sung quy định về việc cấp thẻ giám định viên tư pháp (đưa thẻ chứng minh thay cho quyết định bổ nhiệm). Cụ thể, người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì được cấp thẻ giám định viên tư pháp. Người có thẩm quyền bổ nhiệm thì có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ ban hành thống nhất mẫu thẻ giám định viên tư pháp (Khoản 4 Điều 9).

            Thứ ba, Viện KSND tối cao có thêm phòng giám định kỹ thuật hình sự. Theo quy định mới thì các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự sẽ bao gồm:

            - Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;

            - Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;

            - Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;

            - Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao.

            Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao là phòng được quy định mới tại Luật này, thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. (Khoản 8 Điều 1)

            Thứ tư, nới rộng điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp. Theo khoản 1 Điều 15 Luật Giám định tư pháp năm 2012, giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ điều kiện sau đây:

            - Có từ đủ 05 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng;

            - Có đề án thành lập nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện.

            Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021 khi Luật sửa đổi có hiệu lực, việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp sẽ được nới lỏng điều kiện. Cụ thể, giám định viên tư pháp cần có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng thay vì phải hoạt động từ đủ 05 năm trở lên trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng (Khoản 9 Điều 1).

            Thứ năm, thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 04 tháng: Đây là quy định hoàn toàn mới được bổ sung, theo đó, thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc giám định bắt buộc về tố tụng hình sự tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì tối đa là 04 tháng.

            Thứ sáu, thêm trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp. So với quy định tại Điều 10 Luật giám định tư pháp 2012 thì Luật mới đã bổ sung thêm một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp như sau:

            - Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp;

            - Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng sau 01 năm, kể từ ngày bổ nhiệm không thành lập hoặc sau 01 năm, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập mà không đăng ký hoạt động.

            - Theo đề nghị của giám định viên tư pháp; trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, CAND, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải nhận được chấp thuận của cấp trên trực tiếp.

            Thứ bảy, sửa đổi quy định về kết luận giám định theo hướng cụ thể hơn. Để khắc phục một số hạn chế về kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn hiện nay, Điều 32 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng:

            -  Kết luận giám định phải rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định;

            - Bỏ quy định về chứng thực chữ ký của người giám định theo quy định của pháp luật về chứng thực khi trưng cầu, yêu cầu giám định đích danh cá nhân người giám định.

            4. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020

            Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 có những mội dung mới đáng chú ý sau đây;

            Thứ nhất, quy định về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật thì được bổ nhiệm làm Hòa giải viên nếu có đủ các điều kiện sau:

            - Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên;

            - Là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác và có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác;

            - Là người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;

            - Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;

            - Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

            - Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của TAND tối cao cấp. Trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên (Điều 10).

            Thứ hai, nhiệm kỳ của Hòa giải viên là 03 năm kể từ ngày được bổ nhiệm (Điều 11).

            Thứ ba, 07 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Điều 19 quy định không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong 07 trường hợp sau đây:

            - Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;

            - Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

            - Đương sự đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì lý do chính đáng;

            - Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

            - Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại;

            - Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính;

            - Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

            Thứ 4, vấn đề bảo mật thông tin (Điều 4)

            - Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.

            - Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại.

            - Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

            + Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;

            + Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

            5Luật Đầu tư 2020

            Luật Đầu tư 2020 có những nội dung mới đáng chú ý sau đây:

            Thứ nhất, chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

            Thứ hai, số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm còn 227.

            Thứ ba, bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

            Thứ tư, thêm hình thức ưu đãi đầu tư.

            Thứ năm, nhiều điểm mới về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt;

            Thứ sáu, sẽ ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với người đầu tư nước ngoài.

            Thứ bảy, chỉ còn 4 trường hợp người đầu tư không phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

            6Luật Doanh nghiệp 2020

            Luật Doanh nghiệp sửa đổi gồm 10 chương, 218 Điều.

            Luật sửa đổi đã cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phát triển.

            Luật góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

             Luật Doanh nghiệp bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, như: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước); tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

             Đặc biệt, Luật đã bỏ hẳn một chương quy định về hộ kinh doanh để xây dựng một luật riêng.

            7Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020

            Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung, 14 điều về kỹ thuật. Nội dung cơ bản gồm: Tiếp tục khẳng định, quy định cụ thể cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

            Luật sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã; lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cơ quan đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

            8Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020

            Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tập trung làm rõ các nội dung liên quan đến đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội.

            Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung liên quan đến nội dung đại biểu Quốc hội, khoản 1a Điều 22 quy định: “Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.”

            Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 23: “Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội”.

            Luật quy định hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Nguồn tham khảo:

- https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/31039/diem-moi-bo-luat-lao-dong-2019;

- https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-luat-quan-trong-co-hieu-luc-ke-tu-01-01-2021.

                                                                                          Đàm Thị Trang (Tổng hợp)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây