Cần có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục đề nghị xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Thứ năm - 19/08/2021 22:13

Cần có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục đề nghị xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

 Qua kiểm sát một số quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cấp huyện thấy: hiện nay việc đưa người nghiện ma túy vào nơi nào để quản lý trong thời gian chờ làm thủ tục đề nghị xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của một số Uỷ ban nhân dân cấp xã chưa thống nhất, có nơi giao cho cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương quản lý, cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn, có nơi giao cho Trạm y tế xã quản lý.

Tại Điều 14 Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ về Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định: Giao cho tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

1. Tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện:

a) Về cơ sở vật chất, thiết bị: cơ sở phải xây dựng thành khu liên hoàn, cách ly với môi trường bên ngoài để tránh thẩm lậu ma túy và tối thiểu phải có 03 phòng chức năng và các thiết bị kèm theo như sau:

- Phòng khám và cấp cứu: diện tích tối thiểu 10m2 trong đó có tủ thuốc với đầy đủ các danh mục thuốc, dụng cụ cấp cứu theo quy định của Bộ y tế;

- Phòng lưu bệnh nhân: diện tích tối thiểu 8m2 và bằng hoặc lớn hơn 4m2/người điều trị; trong phòng có đủ mỗi bệnh nhân 01 bộ dụng cụ sinh hoạt gồm giường, chiếu, ga, gối, chăn, màn;

- Phòng thường trực của cán bộ y tế, bảo vệ;

b) Về nhân sự phải có tối thiểu 4 người gồm: phụ trách đơn vị điều trị cắt cơn là y, bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc đa khoa có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy; 01 y, bác sĩ điều trị; 01 điều dưỡng, 01 bảo vệ.

2. Tổ chức xã hội có trách nhiệm quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 131 của Luật xử lý vi phạm hành chính và hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện theo quy định của Bộ y tế.

Đồng thời trong thời gian được giao quản lý, tổ chức xã hội có trách nhiệm không để người được quản lý tiếp tục vi phạm pháp luật; Bảo đảm sự có mặt của người được quản lý khi có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định giao quản lý trong trường hợp người được bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. (theo điều 131 Luật xử lý vi phạm hành chính)

Theo quy định trên thì Trạm y tế xã có đáp ứng đủ điều kiện để được giao quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không? Việc giao cho Trạm y tế xã quản lý như vậy đã đúng chưa?

Hiện nay chưa có quy định cụ thể "Tổ chức xã hội" được giao quản lý là tổ chức xã hội nào, được cơ quan chức năng nào thẩm định về tiêu chuẩn và cho phép quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Từ phân tích trên, thiết nghĩ cần có những quy định cụ thể đối với vấn đề này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh Hải Dương nói riêng và toàn quốc nói chung, tránh để xảy ra vi phạm.

                                                                                 Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Phòng 10- VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây