Một số vướng mắc về Hòa giải tại cộng đồng theo quy định tại Điều 94 của BLHS năm 2015

Thứ hai - 30/08/2021 23:32

Một số vướng mắc về Hòa giải tại cộng đồng theo quy định tại Điều 94 của BLHS năm 2015

Điều 94. Hòa giải tại cộng đồng, quy định:

1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;

b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.

4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.

 

Hòa giải tại cộng đồng: Là điều luật mới được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 để áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, là biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.

Về đối tượng và điều kiện áp dụng: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.

Việc áp dụng để hòa giải tại cộng đồng đối với các nhóm đối tượng trên, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cần căn cứ vào độ tuổi, tính chất của hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Các Điều luật được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự; các điều luật được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 BLHS.  Ngoài ra, cũng phải xem xét đến nhân thân, môi trường sống của người dưới 18 tuổi phạm tội tính chất lỗi của bị cáo cố ý hay vô ý, động cơ, mục đích phạm tội, mức độ tham gia đồng phạm, đối tượng bị cáo xâm hại hậu quả tội phạm.... Quan điểm của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại có được tự nguyện không hay bị ép buộc, hay vì lý do nào khác mà không tự nguyện đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Trên cơ sở đó các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định có hòa giải hay không hòa giải tại cộng đồng mới đảm bảo quy định của pháp luật.

Về thẩm quyền áp dụng: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phối hợp với UBND cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp  người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Về nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp và thời gian áp dụng: Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ: Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này. Như vậy, với quy định như trên thì người phạm tội phải xin lỗi người bị hại, bồi thường thiệt hại; phải tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế nơi cư trú học tập, làm việc; Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.  Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu Điều 94 BLHS, chúng tôi nhận thấy còn có những vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể:

Thứ nhất: Theo quy định của điều luật thì có UBND cấp xã tham gia hòa giải tại cộng đồng với tư cách gì trong tố tụng hình sự? Nhiệm vụ và quyền hạn của UBND cấp xã được quy định như thế nào thì pháp luật chưa quy định rõ ràng. UBND cấp xã có được ý kiến vào nội dung hòa giải không? Cơ quan chủ trì hòa giải có phải ra quyết định hay văn bản công nhận hòa giải thành hay không.

Thứ hai: Vai trò của VKS trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 20 của BLTTHS “Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự nhằm đảm bảo mọi hành vi phạm tội ....không làm oan người vô tội”. Như vậy, VKS có được kiểm sát Cơ quan điều tra và Tòa án trong hòa giải tại cộng đồng không? Cơ quan điều tra và Tòa án có phải gửi kết quả hòa giải cho VKS để kiểm sát không?

Thứ ba: Về thời gian ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại từ 03 tháng đến 01 năm. Với quy định như vậy trong thời gian đó người bị áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng, có xin lỗi nhưng không bồi thường thiệt hại hoặc không xin lỗi và không bồi thường thì các cơ quan tố tụng tham gia hòa giải tại cộng đồng xử lý như thế nào.

Thứ tư: Các biểu mẫu quy định về hòa giải tại cộng đồng của các cơ quan tố tụng chưa có quy định cụ thể.   

Để thực hiện, áp dụng pháp luật được thống nhất  và  nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo đúng quy định của khoản 1 Điều 91 BLHS. Chúng tôi cho rằng liên ngành Trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật.

                                                                                         Nguyễn Quang Đại
VKSND huyện Ninh Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây