Một số điểm mới về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự

Thứ năm - 27/12/2018 20:01

Một số điểm mới về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự

Luật trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Ngày 29/6/2018, liên ngành Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2018.

Nội dung thông tư quy định nhiều nội dung về phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nhằm bảo đảm quyền của người được trợ giúp pháp lý; đăng ký, từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa; đăng ký, từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý,… Trong đó có một số nội dung mới liên quan đến tố tụng hình sự, Viện kiểm sát cần lưu ý khi kiểm sát hoạt động tư pháp.

 

Theo quy định tại Điều 7 của Thông tư, tại thời điểm bắt, tạm giữ người, lấy lời khai, hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chuyển cho họ đọc “Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý” (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo thông tư), nếu họ không tự đọc được thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho họ biết. Mục đích của quy định này là để đảm bảo mọi trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bị hại đều được biết thông tin về trợ giúp pháp lý, để xác định mình có thuộc diện được trợ giúp pháp lý hay không.

Trường hợp họ tự nhận mình là người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng hình sự. Việc giải thích được thể hiện bằng “Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý” (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo thông tư). Biên bản giải thích được lưu tại hồ sơ vụ án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư, cơ sở giam, giữ có trách nhiệm niêm yết Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý trong buồng tạm giữ, buồng tạm giam, nơi làm thủ tục tiếp nhận thông tin người bị tạm giữ, người bị tạm giam…

Trên đây là một số quy định mới và cụ thể, nhằm đảm bảo cho người bị buộc tội, người bị hại trong tố tụng hình sự được tiếp cận với thông tin về trợ giúp pháp lý, được hiểu về quyền được trợ giúp pháp lý và có điều kiện yêu cầu trợ giúp pháp lý nếu họ thuộc đối tượng được trợ giúp.

Để đảm bảo các quy định trên được thực hiện trong thực tế, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm giữ, Kiểm sát viên được phân công ngoài việc kiểm sát thủ tục đưa người vào nhà tạm giữ cần lưu ý kiểm sát việc người bị tạm giữ đã được giải thích quyền được trợ giúp pháp lý hay chưa; việc niêm yết Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý đã được thực hiện đúng quy định hay chưa. Tương tự, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án, Kiểm sát viên được phân công khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại cũng cần thiết kiểm tra lại việc họ đã được giải thích quyền được trợ giúp pháp lý hay chưa, biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại đã được lập và lưu vào hồ sơ vụ án hay chưa…. Nếu Cơ quan điều tra chưa thực hiện, thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các nội dung trên, Kiểm sát viên cần kịp giải thích hoặc yêu cầu, kiến nghị Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trên.

Trong các vụ, việc Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết, Kiểm sát viên thụ lý vụ, việc cần đưa nội dung yêu cầu thu thập tài liệu để xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, các đương sự có thuộc diện được trợ giúp pháp lý (như có thuộc diện hộ nghèo, người có công với cách mạng, người thuộc hộ cận nghèo, trẻ em, người dưới 18 tuổi…) hay không vào yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra. Tránh để xảy ra trường hợp để lọt đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý.

Việc đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý của người bị buộc tội, người bị hại trong tố tụng hình sự là góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng trợ giúp pháp lý và kiểm sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong thực tế.

                                                                                                                   Cao Thị Thu Trang
VKSND thị xã Chí Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây