- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Việc xử lý đảng viên vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm quy định tại Điều 13 của Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) (gọi tắt là Quy định 102) có một số điểm mới được bổ sung, sửa đổi về các vi phạm so với quy định tại Điều 12 của Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) (gọi tắt là Quy định 181) như sau: (1) Thiếu trách nhiệm trong thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong xử lý tin báo tố giác tội phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng bị xử lý bằng hình thức khiển trách; (1) Vi phạm trong việc bỏ lọt tội phạm bị xử lý cảnh cáo; (3) Cố ý tham mưu việc quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc tạm giữ, tạm giam trái quy định của pháp luật bị xử lý cảnh cáo; (4) Làm sai lệch hồ sơ vụ án để thay đổi biện pháp ngăn chặn cho người phạm tội bị xử lý bằng hình thức khai trừ; (5) Cố ý không quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến hết thời hiệu xử lý vụ việc vi phạm hoặc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trái quy định pháp luật bị xử lý bằng hình thức khai trừ; (6) Đối với vi phạm trong việc bảo kê, bao che, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật theo Quy định 181 trước đây chỉ quy định trong lĩnh vực về giao thông, nay Quy định 102 đã quy định đối với tất cả vi phạm trong việc bảo kê, bao che, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật nói chung.
Điều 13. Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm (đã được sửa đổi, bổ sung) như sau:
"1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Thiếu trách nhiệm trong thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tội phạm và trong xử lý tin báo tố giác tội phạm.
b) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không tổ chức quán triệt, tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm theo chức trách, nhiệm vụ được giao; không có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc không đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tội phạm ở địa phương, lĩnh vực, tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp phụ trách.
c) Vì thành tích mà báo cáo không đầy đủ, kịp thời về tình hình tội phạm ở địa phương, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao trực tiếp phụ trách.
d) Thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội.
2. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Không thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao về phòng, chống tội phạm hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng, không kịp thời các quy định về thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám định, truy tố, xét xử, thi hành án và trong việc xét đặc xá, ân giảm đối với các loại tội phạm.
b) Để vợ (chồng), con lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình tổ chức, thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc để cấp dưới trực tiếp phạm tội nghiêm trọng hoặc bản thân bao che các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trong tổ chức, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
c) Báo cáo không trung thực về tình hình tội phạm xảy ra trong địa bàn, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân công trực tiếp phụ trách nhằm che giấu, trốn tránh trách nhiệm.
d) Bỏ lọt tội phạm, cản trở, gây khó khăn, trở ngại trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, ân giảm hoặc để hư hỏng, mất, thất lạc hồ sơ, tài liệu, chứng cứ của vụ án.
đ) Trả thù, trù dập hoặc mua chuộc người tố giác hành vi phạm tội của mình hoặc của bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột.
e) Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách thực hiện sai quy định dẫn đến làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc xét đặc xá, ân giảm không đúng quy định.
g) Chỉ đạo, quyết định hoặc đề xuất thay đổi biện pháp ngăn chặn trái quy định của pháp luật đối với người phạm tội.
h) Bảo kê, bao che, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật.
i) Cố ý tham mưu việc quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc tạm giữ, tạm giam người trái quy định của pháp luật.
3. Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ (trừ trường hợp có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội nghiêm trọng, bị xử lý hình sự):
a) Làm sai lệch hồ sơ vụ án để không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, miễn, giảm tội, thay đổi tội danh, thay đổi biện pháp ngăn chặn cho người phạm tội hoặc bao che, tiếp tay cho tội phạm.
b) Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách trả thù cán bộ điều tra vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra ở tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp phụ trách.
c) Bảo kê, bao che cho những hoạt động phạm tội, gây án nghiêm trọng tại địa bàn mình trực tiếp theo dõi, phụ trách.
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của ngành trong hoạt động nghiệp vụ hoặc trái quy định của pháp luật trong hoạt động tố tụng.
đ) Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác.
e) Giấu giếm, không báo cáo hoặc sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu vụ án.
g) Cố ý không quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến hết thời hiệu xử lý vụ việc vi phạm hoặc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trái quy định pháp luật".
Nguyễn Mạnh Tuấn - P15 (giới thiệu) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.