Một số vấn đề về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự
Thứ tư - 18/11/2015 21:06
Nghiên cứu Bộ luật tố tụng hình sự 2003 về xác định tư cách người tham gia tố tụng, tôi nhận thấy về cơ bản nhà làm luật đã định nghĩa khái niệm người tham gia tố tụng, như: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; nhưng đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của họ ( Điều 54 BLTTHS) mà không có khái niệm về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Trong một số tài liệu bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự, có tác giả đưa ra định nghĩa “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án như là người không tham gia vào việc thực hiện tội phạm hoặc có tham gia vào việc thực hiện tội phạm mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải đưa vào tham gia tố tụng để xử lý theo pháp luật về quyền hoặc nghĩa vụ về tài sản của họ có liên quan đến tội phạm.." hoặc “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người có quyền lợi, nghĩa vụ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định của Toà án..”. Tuy nhiên cũng chưa tách bạch được thế nào là người có quyền lợi, thế nào là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Quyền lợi và nghĩa vụ là hai khái niệm và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trong một vụ án, người có quyền lợi liên quan đến vụ án có thể từ bỏ quyền lợi của mình bằng cách không yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng buộc bị can, bị cáo hoặc người khác bồi thường thiệt hại về vật chất mà mình gánh chịu do hành vi của bị can, bị cáo gây ra nhưng người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì bắt buộc phải tham gia, bởi lẽ họ phải chịu trách nhiệm bồi thường hay trả lại tài sản mà mình được hưởng trái pháp luật hoặc phải chứng minh cho cơ quan tiến hành tố tụng về mối quan hệ giữa mình với bị can, bị cáo liên quan đến hành vi phạm tội của bị can, bị cáo….
Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án còn có sự không thống nhất như đã trình bày ở trên là do luật pháp chưa làm rõ định nghĩa khái niệm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người như thế nào, dẫn đến mỗi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hiểu không giống nhau dẫn đến nhiều trường hợp gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ cũng như thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước.
Trong thực tiễn xét xử có các cách hiểu sau đây về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án như:
- Trường hợp 1: A mượn xe môtô của anh B để đi cướp tài sản (anh B không biết A dùng xe môtô để đi cướp tài sản). Khi A đang cướp tài sản thì bị bắt quả tang. Cơ quan điều tra đã thu giữ chiếc xe môtô của anh B. Trong trường hợp này xác định anh B là người có quyền lợi liên quan đến vụ án vì anh B có quyền yêu cầu các cơ quan tố tụng trả lại chiếc xe môtô cho mình nhưng trong trường hợp này anh B không phải là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
- Trường hợp 2: A trộm cắp tài sản là 01 chiếc điện thoại di động, sau đó A đã cho chị C( bạn gái A), trong trường hợp này xác định chị C tham gia tố tụng với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Chị C có nghĩa vụ giao nộp chiếc điện thoại di động cho cơ quan điều tra hoặc trả lại tài sản cho người bị hại.
- Trường hợp 3: A mượn xe môtô của anh D để đi cướp tài sản ( anh D không biết A mượn xe đi cướp tài sản), sau khi cướp xong A đã cho anh D 01( một) chiếc điện thoại di động ( A nói là của A không dùng nên cho anh D). Trong trường hợp này anh D vừa là người có quyền lợi liên quan đến vụ án, đó là yêu cầu được nhận lại chiếc xe máy đã cho A mượn, nhưng ngoài ra anh D vừa là người có nghĩa vụ giao nộp chiếc điện thoại di động cho cơ quan điều tra hoặc trả lại tài sản cho người bị hại. Trường hợp này xác định, anh D tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Do đó, nếu khi thụ lý vụ án hình sự, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu là người có quyền lợi liên quan đến vụ án thì xác định tư cách là người có quyền lợi liên quan, trường hợp nếu chỉ có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì xác định họ là người có nghĩa vụ liên quan, trường hợp vừa là người vừa có quyền lợi, vừa có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì xác định tư cách tham gia tố tụng của họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không có quy định nào cho phép cơ quan tiến hành tố tụng được quyền dẫn giải người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nếu họ đã được triệu tập hợp lệ nhưng cố tình không theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc họ không đến phiên toà trong nhiều trường hợp sẽ ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại…Đây là bất cập của của pháp luật cần phải được bổ sung khi sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Vì vậy theo tôi khi sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự cần: Làm rõ định nghĩa về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Bổ sung vào khoản 2 Điều 54 Bộ luật tố tụng hình sự như sau:
“ 2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải”.
Trên đây là quan điểm của tôi về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu và tham khảo.