Thực trạng tái phạm và vấn đề tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn huyện Gia Lộc

Chủ nhật - 25/10/2015 23:42

Thực trạng tái phạm và vấn đề tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn huyện Gia Lộc

Một bị cáo đã có tiền án về tội trộm cắp tài sản
 
Tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật hình sự quy định “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”.
Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự cho thấy tình trạng các bị can, bị cáo đã bị kết án, chưa được xoá án tích tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn huyện Gia Lộc. Qua thống kê trong 10 tháng (từ ngày 01/12/2014 đến 30/9/2015) Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lộc đã thụ lý kiểm sát điều tra 48  bị can về các tội xâm phạm sở hữu, thì có đến 23 bị can đã có tiền án (Chiếm 48 % tổng số bị can đã bị khởi tố). Điển hình có những bị can có đến 05 tiền án đều về tội trộm cắp tài sản như bị can Phạm Hoàng Thái- Sinh năm 1986 trú tại: Phạm Lâm, Đoàn Tùng, Thanh Miện. Bị can ra trại ngày 23/02/2015 thì đến ngày 24/3/2015 lại tiếp tục phạm tội. Qua nghiên cứu các tiền án của bị can này cho thấy sau khi bị can chấp hành xong án phạt tù, ra trại, thì chỉ trong khoảng thời gian dài nhất là 12 tháng và ít nhất 01 tháng bị can lại tiếp tục phạm tội mới. Bị can là đối tượng nghiện ma tuý, không có nghề nghiệp, không có việc làm.
Đối với các bị can tái phạm, tái phạm nguy hiểm, qua theo dõi tại các địa phương cho thấy sau khi ra trại các đối tượng này thường xuyên lang thang, tụ tập với các đối tượng khác đã có tiền án, tiền sự. Gia đình phó mặc cho xã hội, không chú ý quan tâm giáo dục. Địa phương cũng không phân công người theo dõi, giám sát, giáo dục và cũng không quản lý được các đối tượng này. Các tổ chức đoàn thể của địa phương chưa có biện pháp tuyên truyền và việc làm thiết thực giúp các đối tượng tái hoà nhập cộng đồng. Qua đó cho thấy việc bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử và đưa các đối tượng này đi chấp hành hình phạt tù là cần thiết tuy nhiên ít có tác dụng giáo dục, thể hiện ở việc các đối tượng này sau khi ra trại liên tục phạm tội.
Từ thực tế các bị can, bị cáo sau khi chấp hành hình phạt tù trong các trại cải tạo, sau khi ra trại đã tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, qua đó cho thấy vấn đề tái hoà nhập cộng đồng còn rất hạn chế, hiệu quả chưa cao, thiếu đồng bộ trong việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp người phạm tội chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng tái phạm, tái phạm nguy hiểm và làm tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng, chúng tôi nhận thấy cần áp dụng đồng bộ các biện pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 80/CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù đến toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn huyện Gia Lộc nói riêng, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong các ngành, các cấp, tổ chức đoàn thể về việc thực hiện các biện pháp tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tái hoà nhập cộng đồng với nội dung phù hợp, bằng nhiều phương pháp, hình thức phong phú, đa dạng nhằm xoá bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.
Ba là, tăng cường công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, thông qua việc phân công trách nhiệm quản lý, giáo dục, giám sát. Có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với người được phân công công tác này. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý khi họ có hành vi vi phạm pháp luật.
Bốn là, tạo điều kiện hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức học tập, dạy nghề, tìm kiếm việc làm.
Năm là, khuyến khích, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc trong các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho họ có thu nhập chính đáng, ổn định từ chính sức lao động của họ.
Sáu là, có biện pháp khen thưởng đối với các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng, hạn chế thấp nhất tình trạng tái phạm, bên cạnh đó có biện pháp xử lý đối với chính quyền địa phương, tập thể, cá nhân làm không tốt công tác trên, để xảy ra tình trạng tái phạm, tái phạm nguy hiểm ngày càng có chiều hướng gia tăng trên địa bàn.
Để cải tạo được một con người lầm lỗi trở thành người lương thiện, không tái phạm là một việc làm tuy khó, nhưng nó thật sự mang lại hiệu quả và có ý nghĩa lớn đối với toàn xã hội, vì vậy ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên rất cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn thể quần chúng nhân dân.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây