Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
Thứ ba - 02/02/2016 23:27
Để hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ với việc cụ thể hóa Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và các đạo luật khác có liên quan như Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật thi hành án hình sự...; ngày 25/11/2015 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, trong đó, quy định VKSND là cơ quan duy nhất có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam.
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 10 Chương, 73 Điều, trong đó xây dựng một chương riêng quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (Chương IX). Chương IX có 11 Điều (Điều 46, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 59, 60 và Điều 61) liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam và 07 Điều (Điều 44, 45, 47, 48, 56, 57 và Điều 58) liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo; những trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong trong việc chuyển tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp …; Các quy định cụ thể liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND như sau:
1. Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam.
Việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam đã được quy định tại Điều 23, 29 Luật tổ chức VKSND năm 2014 và thực hiện theo Quy chế số về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát (ban hành kèm theo Quyết định số 59 ngày 06/02/2006 của Viện trưởng VKSND tối cao); Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 35 ngày 29/01/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao) và các quy định có liên quan trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo.
2. Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam:
Quy định tại khoản 1 Điều 46: Viện trưởng VKSND cấp huyện, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSQS khu vực, Viện trưởng VKSQS quân khu và tương đương giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trách nhiệm kiểm sát của mình.
Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với việc giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới; quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật.
3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: “(1) Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi bị khiếu nại. (2) Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại. (3) Thông báo bằng văn bản về việc thụ lý khiếu nại và gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại và người bị khiếu nại. (4) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình (quy định tại Điều 49).
4. Về thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết tố cáo: “ (1) Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tố cáo của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 23 và Điều 29 Luật tổ chức VKSND. (2) Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày. (3) Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (quy định tại Điều 60).
5. Về trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo: (1) Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. (2) Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết hoặc giải quyết trái pháp luật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (quy định tại Điều 61).
Đồng thời tại các Điều 50, 51, 52, 53, 54, 55 và Điều 59 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam còn quy định cụ thể về thời hạn giải quyết, hồ sơ giải quyết, trình tự giải quyết và nội dung quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo… của VKSND ./.