- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2017, có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2018. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng có những điểm mới cơ bản sau:
1. Quy định chi tiết 5 phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc và Phương án phá sản.
2. Bổ sung trường hợp thu hồi Giấy phép của Tổ chức tín dụng: Ngoài các trường hợp bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, Ngân hàng Nhà nước sẽ thu hồi Giấy phép hoạt động của Tổ chức tín dụng khi Tổ chức tín dụng chuyển đổi hình thức pháp lý.
3. Tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá 5 ngày làm việc phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước: Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng tăng số ngày tạm ngừng hoạt động kinh doanh phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước là quá 5 ngày làm việc, quy định hiện hành là quá 1 ngày làm việc.
4. Việc Tổ chức tín dụng có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước không cần sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
5. Thay thế cụm từ “phải đăng ký Điều lệ mới tại Ngân hàng Nhà nước” bằng cụm từ “gửi Điều lệ mới đến Ngân hàng Nhà nước” tại Khoản 3 Điều 31 và Khoản 2 Điều 77.
6. Bổ sung trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ: Đối với những người phải chịu trách nhiệm theo kết luận của thanh tra khiến Tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài bị xử phạt hành chính ở khung phạt tiền cao nhất thì không được đảm nhiệm các chức vụ trong Tổ chức tín dụng.
7. Bổ sung trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
8. Thay đổi tiêu chuẩn trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Tổ chức tín dụng: Bãi bỏ tiêu chuẩn: “Là cá nhân sở hữu hoặc người được ủy quyền đại diện sở hữu ít nhất 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng”.
9. Sửa đổi tiêu chuẩn trở thành Tổng giám đốc (giám đốc) Tổ chức tín dụng: Ứng viên trở thành Tổng giám đốc Tổ chức tín dụng phải có thời gian làm việc thực tế đáp ứng một trong ba trường hợp sau đây:
- Có ít nhất 05 năm là người điều hành của Tổ chức tín dụng.
- Có ít nhất 05 năm là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng và có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.
- Có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.
10. Bổ sung nghĩa vụ của cổ đông phổ thông trong công ty cổ phần: Cổ đông phổ thông trong Tổ chức tín dụng là công ty cổ phần có nghĩa vụ:
- Không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức tín dụng.
- Không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật.
11. Bổ sung trường hợp được sở hữu trên 15% vốn điều lệ đối với cổ đông là tổ chức: Cổ đông là tổ chức được sở hữu trên 15% vốn điều lệ khi sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại công ty con, công ty liên kết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 103, khoản 3 Điều 110 của Luật các tổ chức tín dụng.
12. Quy định chi tiết tỷ lệ cổ phần đối với cổ đông và người có liên quan của cổ đông: Cổ đông và người có liên quan của cổ đông được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác
13. Mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành.
14. Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại vào một doanh nghiệp không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ các quỹ do công ty đó quản lý
15. Áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt:
- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng trong thời hạn 06 tháng liên tục.
- Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 03 tháng liên tục.
- Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
16. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm báo cáo kịp thời bằng văn bản với Ngân hàng Nhà nước khi: Thay đổi tên chi nhánh của tổ chức tín dụng; Tạm ngừng hoạt động kinh doanh dưới 05 ngày làm việc và Niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước
17. Sửa đổi quy định về trường hợp chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng: Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khắc phục được tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt và tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 130 của Luật.
- Trong quá trình kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác hoặc bị giải thể.
- Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để xử lý theo thủ tục phá sản cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Nguyễn Kiên Cường (tổng hợp) Phòng 10 - VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.