Cùng với sự phát triển của cuộc sống, đất đai ngày càng trở lên có giá trị, cũng vì thế mà ngày càng có nhiều tranh chấp phát sinh từ đất đai đã xảy ra. Vẫn biết đất có giá trị kinh tế, nhưng là những người thân trong gia đình, nên tìm ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý, thậm chí hy sinh lợi ích, tránh gây ra những căng thẳng không đáng có, mất đi tình anh em ruột thịt. Đất cát là thứ có thể dùng tiền để mua được, nhưng tình cảm một khi đã mất đi thì khó có thể lấy lại được. Chỉ trong vòng tháng 9/2016 Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà đã đưa ra xét xử 02 vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai mà nguyên đơn và bị đơn là mẹ - con, anh em ruột. Ngày 28/9/2016, đã đưa ra xét xử công khai vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn cụ Lê Thị Học và bị đơn là bà Nguyễn Thị Minh, đồng thời là con dâu của cụ Học.
Nội dung vụ án như sau: Cụ Bùi Văn Nhẫm và cụ Đặng Thị Mỵ kết hôn và sinh sống trên diện tích đất 552,5m2 do ông cha để lại tại xóm 2, xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà và sinh được 5 người con là các ông, bà Bùi Văn Sơn, Bùi Văn Cường, Bùi Văn Minh, Bùi Thị Mỳ và Bùi Văn Sinh. Cụ Mỵ chết năm 1979, cụ Nhẫm đi bước nữa với cụ Lê Thị Học và có một người con chung là anh Bùi Văn Hùng. Năm 1998 cụ Nhẫm chết không để lại di chúc. Cụ Nhẫm mất được một năm thì ông Sinh cũng qua đời. Cụ Học sinh sống cùng bà Nguyễn Thị Minh và cháu trai (con ông Sinh) là anh Bùi Văn Thành trên diện tích đất 552,5m
2. Cuối năm 2002 cụ Học về quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương, giao nhà đất cho bà Minh trông coi. Năm 2003 bà Minh không cho cụ Học và anh em ông Sinh biết mà tự ý đề nghị và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con trai là anh Bùi Văn Thành, tự phá vỡ nhà xây và công trình trên đất, xây dựng nhà ở kiên cố. Bị các anh chị em trong gia đình phản đối, nhưng bà Minh không dừng lại, còn lên tiếng mang tính coi thường mẹ chồng, anh em nhà chồng, mâu thuẫn xảy ra, chính quyền xã xử lý, các ban ngành đoàn thể xã Thanh Khê vận động, giáo dục, thuyết phục. Ngày 6/8/2014 cụ Lê Thị Học khởi kiện đề nghị Toà án huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho anh Bùi Văn Thành và trả lại toàn bộ tài sản cho cụ và các con của cụ.
Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà đã nhiều lần tiến hành hòa giải nhưng các bên không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Tại phiên tòa, các bên có thái độ gay gắt, thậm chí không tiếc dùng những từ ngữ khó nghe để nhục mạ, nhiếc móc nhau để đòi quyền lợi cho mình. Khi phân xử Tòa án đã giải thích do cụ Nhẫm, cụ Mỵ chết không để lại di chúc nên tài sản sẽ được chia theo pháp luật cho cụ Học và các con, trong đó có ông Sinh, người kế thừa quyền và nghĩa vụ là bà Minh, anh Thành. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Bùi Văn Thành là không đúng theo quy định của pháp luật về đất đai; từ đó quyết định hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho anh Thành, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cụ Học, quyết định cụ Học được hưởng diện tích đất 133m
2/552,5m
2. Số diện tích đất còn lại thuộc về các con của cụ Nhẫn, trong đó có mẹ con bà Minh, tạm giao cho bà Minh quản lý và sẽ được phân chia khi các đồng sở hữu yêu cầu theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Giá như mẹ con, anh em trong gia đình biết yêu thương, biết thiện chí ngồi lại cùng nhau để thỏa thuận, biết sống vì nhau thì đã không xảy ra việc "đáo đụng đình" như ngày hôm nay. Đại diện Viện KSND huyện Thanh Hà tham gia phiên toà đã phát biểu về việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, về giải quyết yêu cầu của nguyên đơn, trên cơ sở đó Toà án đã ra bản án đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các đương sự.