Những lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm vụ án hành chính sơ thẩm theo thủ tục rút gọ

Thứ hai - 28/06/2021 05:22

Thủ tục rút gọn khi giải quyết vụ án dân sự, án hành chính là quy định mới được bổ sung tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015; là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án, đơn giản, rõ ràng góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng án kéo dài, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho những người tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Kiểm sát việc Toà án Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn

Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: Thủ tục rút gọn khi giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm, được quy định từ Điều 316 đến Điều 321 Bộ luật tố tụng dân sự (Bộ luật TTDS) và quy định tại Điều 245 đến 250 Luật tố tụng hành chính (Luật TTHC). Điều 317 Bộ luật TTDS và Điều 246 Luật TTHC, quy định để áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính, đều phải có đủ các điều kiện đó là (1) Vụ án có tình tiết đơn giản… tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; (2) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; (3) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài… trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài có thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn. Ngoài 03 điều kiện giống nhau như trên, việc áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết vụ án dân sự còn phải có điều kiện:(1) quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ (2)không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.Bộ luật TTDS còn quy định trường hợp giải quyết vụ án lao động (khoản 2 Điều 317), theo đó: Đối với vụ án lao động đã được thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn mà người sử dụng lao động có quốc tịch nước ngoài hoặc người đại diện theo pháp luật của họ đã rời khỏi địa chỉ nơi cư trú, nơi có trụ sở mà không thông báo cho đương sự khác, Tòa án thì bị coi là trường hợp cố tình giấu địa chỉ. Tòa án vẫn giải quyết vụ án đó theo thủ tục rút gọn quy định tại Phần này.

Về thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn Bộ luật TTDS, Luật TTHC đều quy định thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn thuộc Toà án. Nghiên cứu Điều 47. Điều 48, Điều 319 Bộ luật TTDS thấy rằng: Chánh án Toà án có thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn.

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên nghiên cứu Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Toà án, tài liệu có trong hồ sơ do Toà án chuyển đến, đối chiếu Luật định để xác định việc áp dụng thủ tục rút gọn có căn cứ không. Khi phát hiện vụ án được đưa ra giải quyết theo thủ tục rút gọn thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 317 Bộ luật TTDS thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên báo cáo ngay với Viện trưởng Viện kiểm sát để kịp thời thực hiện quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định theo Luật định. Nếu Toà án không thực hiện kiến nghị (không áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án) của Viện kiểm sát, mà tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, thì Viện kiểm sát tiếp tục phải tham gia phiên toà, phát biểu quan điểm về nội dung này, xem xét kháng nghị phúc thẩm theo Luật định.

Kiểm sát tại phiên toà áp dụng thủ tục rút gọn

Việc xét xử theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện ( Điều 65 Bộ luật TTDS, Điều 249 Luật TTHC).

Tại phiên toà sơ thẩm, có thể xảy ra các trường hợp sau:

- Nguyên đơn rút yêu cầu: Thẩm phán chủ toạ phiên toà cần xét ngay, ra quyết định đình chỉ theo Luật định.

- Đương sự hoà giải thành, đối thoại thành: Thẩm phán lập biên bản đối hoà giải thành , đối thoại thoại thành và ra quyết định công nhận kết quả.

- Xét xử vụ án theo trình tự thủ tục chung: đương sự tiếp tục khởi kiện

- Tạm đình chỉ vụ án theo Luật định, nếu phát sinh tình tiết mới phải thu thập, chứng minh… làm cho vụ án không đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn, Thẩm phán  xem xét, quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại như vụ án được giải quyết theo thủ tục thông thường.

Kiểm sát viên cần bám sát diễn biến phiên toà, kịp thời có ý kiến, yêu cầu, đề nghị Toà án thực hiện quy định Bộ luật TTDS, Luật TTHC khi xét xử vụ án hành chính, vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn. Không vì tiến độ, sức ép về thời gian mà áp dụng thủ tục rút gọn khi thiếu điều kiện, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

                                                                         Phạm Thị Thuỳ
Phòng 9- VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây