- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới. 5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
Xác định văn bản quy phạm pháp luật áp dụng: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015- Luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 , sửa đổi bổ sung tại Điều 1 khoản 1 Luật sửa đổi bổ, sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật- Luật số 63/2020/QH14 ngày 18/06/2020- có hiệu lực 01/01/2021 (Luật số 63/2020/QH14 ngày 18/06/2020). Một trong số văn bản quy phạm pháp luật là Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Văn bản liên tịch giữa các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật khi thực hiện hoạt động kiểm sát giải quyết vụ án hình sựNghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Thông tư liên tịch giữa VKSNDTC-TANDTC-BCA… hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự trước Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), Bộ luật tố tụng hình sự cũ, sẽ không được áp dụng từ ngày 01/01/2018 - ngày Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành toàn bộ.
Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới chưa đảm bảo được yêu cầu, như Toà án nhân dân tối cao chưa ban hành Nghị quyết mới thay thế các Nghị quyết hướng dẫn Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự trước năm 2015, ví dụ nội dung các Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS. Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 Hướng dẫn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nghị quyết 01/2010 ngày 23/10/2010 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và 249 Bộ luật hình sự 1999 …. Đang được áp dụng trong thực tiễn xét xử. Ví dụ khác: Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 , do Chánh án TAND tối cao thay mặt Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ký về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid19, đang được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng khi xảy ra vụ việc liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid19. Rõ ràng Công văn 45/TANDTC-PC không phải văn bản quy phạm pháp luật, nhưng vẫn được thi hành.
Tương tự như vậy, việc ban hành Thông tư liên tịch giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay là để hướng dẫn trình tự thủ tục, nội dung phối hợp giải quyết vụ án, vụ việc; không được hướng dẫn áp dụng pháp luật (nội dung điều luật) bởi thẩm quyền hướng dẫn giải thích pháp luật thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Toà án tối cao tổng kết nghiệp vụ, hướng dẫn áp dụng pháp luật cụ thể qua công tác xét xử của hệ thống Toà án. Như:Thông tư liên tịch 09/2013/BCA-BQP-BTP- VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông. Thông tư liên tịch số09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTngày 30/11/2011 hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền, Thông tư liên tịch số 17/2017/ TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII” các tội phạm về ma tuý” của BLHS năm 1999.
Bên cạnh đó qua thực tiễn công tác xét xử, Toà án nhân dân tối cao thường xuyên ban hành giải đáp nghiệp vụ. Ví dụ Công văn 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử; Thông báo số 64 ngày 03/4/2019 Kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính. Nội dung công văn được Toà án các cấp áp dụng trong hoạt động xét xử án hình sự đã giải quyết được ngay vướng mắc. Như vậy về hình thức, giải đáp nghiệp vụ do Toà án nhân dân tối cao ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng được áp dụng trong thực tiễn xét xử.
Từ nội dung trên, chúng tôi cho rằng, thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết vụ án hình sự có thể áp dụng Văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự trước năm 2015, khi “nội dung cũ” phù hợp “nội dung mới”, cách vận dụng này sẽ giải quyết được ngay khó khăn vướng mắc trong thực tiễn giải quyết vụ việc hình sự
Đối với dạng “văn bản giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ của Toà án nhân dân Tối cao”, cần nghiên cứu toàn diện, đối chiếu Luật định, chỉ thực hiện khi nội dung phù hợp; báo cáo ngay Lãnh đạo đơn vị để báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kiến nghị Toà án nhân dân tối cao nội dung không đúng; thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị khi việc áp dụng của Toà án vi phạm nguyên tắc pháp chế gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tóm lại: khi nghiên cứu áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, phải nghiên cứu văn bản cần toàn diện, đầy đủ, nắm chắc hiệu lực văn bản ( thời gian, không gian, văn bản bị thay thế…), nắm vững nguyên tắc áp dụng, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc áp dụng,so sánh, đối chiếu quy định cũ và quy định hiện hành tại Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
Nguyễn Quang Trung Phòng 7 VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.