QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI PHÁN QUYẾT CỦA TOÀ TRỌNG TÀI THƯỜNG TRỰC (PCA)

Thứ hai - 18/07/2016 21:17
Chiều 12/7, Toà trọng tài thường trực PCA đã ra phán quyết khẳng định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn". Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Mischief (Vành Khăn) hay bãi Thomas (Cỏ Mây). PCA cũng khẳng định thực thể Itu Aba (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", nên không có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa…
.Việt Nam hoan ngênh và ủng hộ phán quyết của PCA: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7. Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây cũng là tiếng nói chung của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng lên tiếng ủng hộ phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà trọng tài thường trực: Mỹ, Nhật, Hội đồng Châu Âu…Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp tại biển Đông một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Phán quyết của PCA có thể coi là cơ sở quan trọng để Việt Nam và các nước trong khu vực có thể đàm phán ngoại giao về tranh chấp trong khu vực Biển Đông. Xu hướng các nước trong khu vực sẽ giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, bằng luật pháp quốc tế./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây