Một số khó khăn vướng mắc trong triển khai thi hành các đạo luật mới về tư pháp
Thứ năm - 07/07/2016 21:22
Về Bộ luật hình sự năm 2015
Tại Điều 249 (tội Tàng trữ trái phép chất ma túy) có sự trùng lặp giữa điểm h khoản 2 với điểm c khoản 3; Điều 250 (tội Vận chuyển trái phép chất ma túy) trùng lặp giữa điểm d khoản 1 với điểm i khoản 2; Điều 252 (tội Chiếm đoạt chất ma túy) trùng lặp điểm d khoản 1 với điểm h khoản 2. Vì vậy, đề nghị cho ý kiến rõ việc áp dụng khung hình phạt và mức hình phạt trong các trường hợp trùng lặp này như thế nào?
Điểm d khoản 1 Điều 173 BLHS (tội Trộm cắp tài sản) quy định Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng nhưng thuộc trường hợp tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hiện chưa có hướng dẫn thế nào được coi là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ? Thế nào được coi là tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. Hơn nữa mục đích của người thực hiện hành vi trộm cắp là chiếm đoạt tài sản, không quan tâm tài sản đó có giá trị tinh thần như thế nào đối với người bị hại. Đề nghị cần xem xét đề nghị sửa đổi cho phù hợp với lý luận về tội phạm hoặc sớm có hướng dẫn cụ thể để áp dụng.
Về Bộ luật tố tụng hình sự
Điều 118 khoản 1 quy định “Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú”
Một trong các căn cứ quan trọng để tạm giữ tố tụng là hành vi của người bị đưa vào tạm giữ phải là hành vi phạm tội. Trong nhiều trường hợp việc xác định hành vi của họ lại đòi hỏi có kết luận giám định như trong các trường hợp phạm tội về ma túy. Theo quy định tại Điều 208 BLTTHS (thời hạn giám định) thì thời hạn giám định đối với các chất ma túy là 9 ngày. Đề nghị hướng dẫn rõ đối với các trường hợp bắt người có hành vi phạm tội ma túy khi chưa có kết luận giám định xác định trọng lượng, chất đã thu có phải là ma túy không thì có được đưa vào tạm giữ không? Nếu cơ quan điều tra đưa vào tạm giữ, VKS sẽ thực hiện như thế nào? (Hủy quyết định tạm giữ hay vẫn chấp nhận và khi hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan điều tra đề nghị phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ VKS phải thực hiện như thế nào).
Ngày 21/6/2016, Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao có công văn số 110-CV/BCS chỉ đạo Ban cán sự đảng Toà án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt Toàn án nhân dân hai cấp trực thuộc thực hiện một số nội dung trong việc giải quyết các vụ án ma túy. Theo tinh thần nêu trong văn bản này thì chỉ đối với những vụ án mà kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền khẳng định vật chứng gửi giám định là chất ma túy và đã xác định được trọng lượng chất ma túy thì Toa án mới đưa ra xét xử, không đặt vấn đề hàm lượng nữa, còn các vụ án có kết luận giám định của Cơ quan có thẩm quyền khẳng định là chế phẩm, hoặc có chứa thành phần chất ma túy mà không xác định rõ trọng lượng chất ma túy, các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08 ngày 14/11/2015 và Công văn 315/TANDTC-PC, thì khi giải quyết tòa án yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định hoặc tự mình trưng cầu giám định để xác định hàm lượng trên cơ sở đó xác định trọng lượng chất ma túy làm căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Chỉ đạo tại công văn trên sẽ dẫn đến quan điểm giải quyết các vụ án ma túy không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án tính trọng lượng theo tinh chất, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tính trọng lượng chất ma túy theo trọng lượng thu được thực tế) do đó dẫn đến áp dụng khung khoản không thống nhất, từ đó dẫn đến trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tranh chấp về thẩm quyền xét xử vụ án theo quy định tại Điều 268 và Điều 274 BLTTHS. Vì vậy cần đề nghị hướng dẫn rõ để thực hiện: Nếu không thống nhất về cách tính trọng lượng chất ma túy và từ đó không thống nhất quan điểm về xác định thẩm quyền xét xử các vụ án âm túy thì giải quyết như thế nào?
Về Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự
Theo Điều 17 Luật tổ chức điều tra hình sự thì thẩm quyền điều tra của Cơ quan ANĐT công an cấp tỉnh được điều tra một số tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để đảm bảo tính khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ công an. Những vụ án theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ công an để đảm bảo việc điều tra khách quan là những vụ án nào hiện chưa quy định rõ. Từ việc chưa quy định rõ này, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra Viện kiểm sát khó yêu cầu để Cơ quan an ninh điều tra cấp tỉnh thực hiện đúng thẩm quyền. Đề nghị cần sớm được hướng dẫn./.