Quy định về nghĩa vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân trong Luật tố tụng hành chính năm 2015

Thứ hai - 18/07/2016 21:15
Ngày 01/7/2016 Luật tố tụng hành chính (Luật số 93/2015/QH13) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khóa XIII, kì họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành; Luật gồm 23 chương, 372 điều bao gồm: Bổ sung 05 chương mới, giữ nguyên 87 điều; Sửa đổi, bổ sung 175 điều; Bổ sung mới 110 Điều. Luật tố tụng hành chính  đã thể chế hoá các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tranh tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa các công dân và cơ quan công quyền trước tòa án; Bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng hành chính phải dân chủ, công khai, đơn giản, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tồ chức trong hoạt động tố tụng hành chính; Bảo đảm các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh và kịp thời. Nghĩa vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân trong Luật tố tụng hành chính năm 2015 được quy định như sau:
Thực hiện quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng hành chính
Khi tham gia tố tụng hành chính Ủy ban nhân dân có quyền và nghĩa vụ quy định tại Chương IV - Người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; cụ thể là: thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật ( Điều 54), có quyền tiếp cận chứng cứ; quyền đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét việc thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị những vấn đề cần tranh tụng; tham gia tranh tụng tại phiên toà; đề nghị Toà án tổ chức đối chất và tham gia đối chất với nhau hoặc với người làm chứng ( Điều 55, Điều 56, Điều 57); có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm (Điều 204); có nghĩa vụ thi hành án ( chương XIX)
 Thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của Cơ quan quản lý nhà nước trong  Luật tố tụng hành chính
Tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến cán bộ công chức, viên chức và nhân dân; hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính (Điều 4)
Trả lời bằng văn bản khi  Tòa án kiến nghị  xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó ( Điều 6);
Xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. ( Điều 111, 113, 114)
Phân công đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan làm thành viên Hội đồng định giá  tài sản, thẩm định giá tài sản  khi Tòa án yêu cầu (Điều 91)
Cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc Tòa án, Viện kiểm sát; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người có yêu cầu biết (Điều 93)
Thi hành quyết định buộc thi hành án của Tòa án ( Điều 132); Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật”.
Quản lý nhà nước về thi hành án hành chính ( Điều 313), phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; định kỳ hằng năm báo cáo tình hình, kết quả công tác thi hành án hành chính. Tổ chức thực hiện quy định của  Chính phủ  về trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án để bảo đảm hiệu quả trong công tác thi hành án hành chính, cụ thể là: thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án hành chính, quy định tại Điều 34 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, như:  chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân nghiêm chỉnh thi hành án hành chính; Nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án ( Chấp hành đúng, đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định của Tòa án; Thông báo cho người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú; Thông báo kết quả thi hành án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp và cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm trong trường hợp người phải thi hành án là cơ quan; Cung cấp thông tin, các tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả thi hành án theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có thẩm quyền); Chỉ đạo việc thi hành án hành chính đối với các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương; Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp về tình hình, kết quả thi hành án hành chính của địa phương.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây