- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
1.Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm: a) Có tổ chức;b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ảnh nguồn Internet
Về chủ thể của tội phạm: Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân là tội phạm ít nghiêm trọng, do vậy, theo quy định tại Điều 9, Điều 12 BLHS thì chủ thể của Tội phạm này là: Người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Pháp nhân thương mại không phải là chủ thể của tội phạm này.
Mặt chủ quan của tội phạm Lỗi cố ý (Cố ý phạm tội) tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, là trái pháp luật thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (lỗi cố ý trực tiếp).
Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
Mục đích là mong muốn công dân không thực hiện được quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân
Về khách thể của tội phạm: Quyền công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân. Khách thể chung của tội phạm này là xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân.
Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu được quy định rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (Luật số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015). Quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan, tổ chức khác không phải là khách thể tội phạm. Ví dụ: ứng cử Trưởng thôn, bầu Bí thư Đoàn thanh niên…
Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam (Điều 17, Hiến pháp);
Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định( Điều 27, Hiến pháp);
Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29, Hiến pháp).
Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này.( Điều 5, Luật trưng cầu ý dân)**
. Về mặt khách quan của tội phạm
Lừa gạt: dùng thủ đọan gian dối, đưa ra thông tin sai sự thật (sai hoàn toàn, không đầy đủ) làm cho công dân tưởng giả là thật mà không thực hiện quyền của mình.
Ví dụ: A nói với B là ngày 23/5/2021chỉ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân huyện còn bầu cử đại biểu xã thì diễn ra vào ngày khác, cùng với lời nói A đưa cho B xem tài liệu poto (do A đã chỉnh sửa), từ đó B không đi bầu cử vì chỉ quan tâm đến đại biểu hội đồng nhân dân xã.
Mua chuộc: dùng tiền hoặc lợi ích vật chất, phi vật chất để lôi kéo người khác làm theo ý mình (không bầu cử, không ứng cử).
Ví dụ: A hứa cho B 20 triệu đồng, nếu B không tham gia ứng cử Đại biểu hội đồng nhân dân xã, dẫn đến B không ra ứng cử.
Cưỡng ép: dùng quyền, dùng sức, vũ lực đối với người khác hoặc đe dọa sẽ dùng các biện pháp mạnh ngăn cản người khác thực hiện quyền bầu cử, ứng cử…(cắt lương, thưởng, đuổi việc, đánh đập…).
Ví dụ: Thấy B đi bầu cử ngày 23/5, A (chủ xưởng) bảo B ở nhà, nếu B đi bầu cử thì A sẽ đuổi việc B, dẫn đến B không dám đi bầu cử.
Dùng thủ đoạn khác cản trở không thuộc các trường hợp lừa gạt, cưỡng ép, mua chuộc. Ví dụ: biết B đi bầu cử ngày 23/5, A đã cho B uống thuốc ngủ, nên B không thể đến địa điểm bầu cử để bỏ phiếu được.
Hậu quả: Quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân bị xâm phạm.
Nếu Người phạm tội thực hiện hành vi Mua chuộc, Cưỡng ép, Dùng thủ đoạn khác xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân, nhưng còn gây ra các thiệt hại khác xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bị hại, thì tùy tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng.
Ví dụ: biết B đi bầu cử ngày 23/5, A đã cho B uống thuốc ngủ, nên B không thể đến địa điểm bầu cử để bỏ phiếu được, do thuốc ngủ nhiều dẫn đến B bị hôn mê não, tỷ lệ thương tật 35%; trường hợp này A phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội là Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử và Tội Cố ý gây thương tích.
Tội phạm được thực hiện dưới dạng hành động, hoàn thành khi thực hiện hành vi mua chuộc, cưỡng ép…làm công dân không thực hiện quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân.
Người có hành vi chuẩn bị mua chuộc, cưỡng ép…công dân không thực hiện quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Người tuy có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, dùng thủ đoạn cản trở…công dân không thực hiện quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, nhưng người bị mua chuộc, bị cưỡng ép không nghe theo thì tùy theo tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội, nhân thân người phạm tội, tình hình trật tự xã hội… thì có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này và được xử lý bằng các biện pháp khác. Ví dụ: Thấy B đi bầu cử ngày 23/5, A (chủ xưởng) bảo B ở nhà, nếu B đi bầu cử thì A sẽ đuổi việc B, nhưng B không nghe và vẫn đi bầu cử.Nếu A không đuổi việc B thì có thể không xử lý hình sự đối với A.
**Những trường hợp không được bầu cử là những người không được ghi tên vào danh sách cử tri. (1) Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, (2) người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, (3) người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, (4) người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 30 Luật bầu cử)
Những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (1) Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.(2) Người đang bị khởi tố bị can.(3) Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.(4) Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.(5) Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn. (Điều 37 Luật bầu cử);
Những trường hợp không có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân làCác trường hợp không được ghi tên, bị xóa tên, được bổ sung tên vào danh sách cử tri: (1) Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. (2) Người đã có tên trong danh sách cử tri nếu đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị kết án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự (khoản 1, 2 Điều 25 Luật trưng cầu ý dân)
Nguyễn Quang Trung Phòng 7- VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.