Hoàn thiện pháp luật về chuyển nhượng cổ phầ

Thứ ba - 06/04/2021 22:15

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp rất được ưa chuộng bởi tính linh hoạt và tự do về vốn. Công ty cổ phần là công ty đối vốn nên quyền và trách nhiệm của cổ đông được gắn liền với phần vốn góp của mình cho đến khi doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản. Các hình thức sử dụng cổ phần như: mua, bán, chuyển nhượng vì thế cũng được hình thành và điều chỉnh trong các Luật, văn bản dưới luật liên quan. Tuy nhiên, để hiểu rõ và vận dụng chính xác những quy định này không phải đơn giản. Với mong muốn tìm hiểu và làm rõ hơn về vấn đề này, tôi xin nêu nghiên cứu:“Quy định của pháp luật về cách thức và thủ tục chuyển nhượng cổ phần.”  

Cách thức chuyển nhượng cổ phần có thể được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán theo Khoản 2 Điều 126 Luật Doanh nghiệp:

Nếu chuyển nhượng thông qua hợp đồng thì các bên tham gia chuyển nhượng phải tuân thủ các quy định trong Bộ luật Dân sự, giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký.

Nếu chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự thủ tục và việc ghi nhận sở hữu phải tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán.

Tính tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông làm cho cổ đông trong công ty cổ phần thay đổi, song tài sản công ty vẫn ổn định bảo đảm cho hoạt động bình thường của công ty. Có thể khẳng định, nhờ có tính tự do vận động của cổ phần mà đã phát sinh thị trường chứng khoán.

Thủ tục chuyển nhượng cổ phần đã được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định 108/2018/NĐ-CP

Theo quy định tại nghị định 108/2018/NĐ-CP thì “Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua” do đó không cần đăng ký thay đổi thông tin cổ đông sáng lập trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần.

Do đó, theo quy định tại Nghị định 108/2018/NĐ-CP, các cổ đông chỉ cần thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nội bộ công ty, không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh- Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Việc thực hiện chuyển nhượng cổ phần cần các thủ tục sau:

Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông;

Quyết định Đại hội đồng cổ đông;

Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;

Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng;

Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhan và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần tại cơ quan quản lý thuế Doanh nghiệp (chi Cục thuế hoặc Cục thuế).

 *  Hệ quả của chuyển nhượng cổ phần

Thứ nhất, chuyển nhượng cổ phần làm thay đổi chủ sở hữu đối với cổ phần được chuyển nhượng nhưng không làm thay đổi vốn điều lệ và tài sản của công ty.

Thứ hai, công ty có thể tiến hành bổ sung hoặc thay đổi cổ đông.

Thứ ba, đối với việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập làm thay đổi thông tin cổ đông sáng lập, cần phải đăng kí tiến hành thay đổi cổ đông sáng lập, gửi thông báo đến phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Theo Khoản 16 Điều 1 Nghị định 108/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP, nội dung thông báo gồm:

Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);

Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập đối với cổ đông sáng lập là tổ chức hoặc họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông sáng lập là cá nhân;

Họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Khi nhận thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Thứ tư, cá nhân chuyển nhượng cổ phần cần lưu ý đến quy định nộp thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng cổ phần. Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần tại cơ quan đăng ký kinh doanh, bên chuyển nhượng cổ phần phải làm thủ tục nộp thuế thu nhập cá nhân áp dụng khi chuyển nhượng cổ phần. Mức thuế phải nộp được tính theo công thức sau: [Thuế TNCN phải nộp] = [Giá chuyển nhượng từng lần] x [Thuế suất 0,1%] 

Thứ năm, trường hợp cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại theo Khoản 6 Điều 126 LDN 2014.

Thứ sáu, theo Khoản 7 Điều 126 LDN 2014, người nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

* Hoàn thiện các quy định pháp luật về chuyển nhượng cổ phần

Các quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần cơ bản đã được quy định cụ thể và rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và các văn bản pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong thủ tục chuyển nhượng. Theo đó, Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó”.

 

Quy định về tỷ lệ cổ phần phổ thông tối thiểu mà cổ đông sáng lập phải nắm giữ và quy định hạn chế khả năng chuyển nhượng các cổ phần này trong ba năm đầu là nhằm đảm bảo sự gắn kết các cổ đông sáng lập về mặt tài sản và trách nhiệm với công ty trong thời gian “khởi sự” của công ty.

Tuy nhiên bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về các trường hợp ngoại lệ là đối với:

Cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp

Cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.

“Cổ phần mà công ty sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp” có thể đến từ nhiều nguồn. Cổ phần này có thể đến từ cổ đông khác hoặc do cổ đông sáng lập mua thêm cổ phần khi công ty chào bán cổ phần được quyền chào bán trong quá trình hoạt động. Vấn đề đặt ra là, các cổ đông sáng lập có thể sử dụng ngoại lệ này để vô hiệu hoá quy định về hạn chế chuyển nhượng tại Khoản 3 Điều 119 LDN 2014.

Cần điều chỉnh các quy định pháp luật rõ ràng và cụ thể hơn để đảm bảo sự gắn kết của các cổ đông sáng lập về mặt tài sản và nghĩa vụ đối với công ty cũng như đảm bảo sự bền vững của một doanh nghiệp và giữ gìn nghiêm minh pháp luật.

Như vậy, có thể thấy chuyển nhượng cổ phần có ảnh hưởng lớn tới công ty. Hệ quả của việc chuyển nhượng là tạo ra khả năng chuyển quyền sở hữu tài sản (cổ phần) sang cho người khác (có thể là cổ đông trong công ty hoặc ngoài công ty), làm thay đổi hệ thống cổ đông trong công ty. Đồng thời cổ đông mới có quyền và trách nhiệm tương đương với loại hình cổ phần mà mình được chuyển nhượng. Bên cạnh những quy định cụ thể, rõ ràng, vẫn còn tồn tại nhiều kẽ hở trong quy định về thủ tục chuyển nhượng cổ phần, dẫn tới hệ quả là sự thiếu bền vững của công ty cổ phần. Doanh nghiệp có phát triển, có bền vững thì nền kinh tế mới ổn định, vững mạnh, đất nước có kinh tế thì mới có thể đi lên. Do vậy, việc nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong thời điểm hiện tại là rất cấp bách, nhằm đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế.

                                                                        Phạm Thị Thùy
Phòng 9 – VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây