Tìm hiểu về Luật bầu cử: Những nội dung pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiểm sát viên cần nắm chắc

Thứ hai - 22/03/2021 22:47

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được ấn định là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021. Để phục vụ cho công tác tuyên truyền bầu cử và hoạt động kiểm sát có liên quan, tôi xin trích dẫn một số nội dung có trong cuốn sách “Hỏi - Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”  do Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức biên soạn như sau:

Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử được thực hiện như thế nào?

1. Điều 55 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định về việc xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phát sinh trong quá trình giới thiệu, hiệp thương, lựa chọn người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Điều luật này đã nêu rõ trách nhiệm và thời hạn xác minh, trả lời đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Kết quả xác minh, trả lời về các vụ việc nói trên là cơ sở để Hội nghị hiệp thương lần thứ ba xem xét, quyết định danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình. 

Điều 61 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định chung về khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử. Theo đó, công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử không phân biệt về thời điểm thực hiện việc khiếu nại, tố cáo. Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là các cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.

Như vậy, các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đều phải được Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử tương ứng tiếp nhận, ghi vào sổ, chuyển đến các cơ quan, tổ chức hữu quan để thực hiện việc xác minh, trả lời làm cơ sở cho việc giải quyết của các cơ quan phụ trách bầu cử theo thẩm quyền.

Đối với các vụ việc cử tri nêu lên về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tiến hành hiệp thương thì việc xác minh và trả lời được thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Kết quả xác minh, trả lời được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương để làm cơ sở cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba xem xét, quyết định danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.

Các tố cáo về người ứng cử từ sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ ba hoặc việc xử lý kết quả xác minh những vụ việc cử tri nêu mà chưa được trả lời theo thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đều thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử theo quy định tại Điều 61 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân 10 ngày trước ngày bầu cử. Các khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết được chuyển đến Thường trực Hội đồng nhân khóa mới để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

2. Về nguyên tắc, các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về tư cách của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, liên quan đến việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các thông tin trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban bầu cử nơi đã lập và công bố danh sách này. Khi tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thuộc loại nói trên, Ban bầu cử phải chuyển ngay cho Ủy ban bầu cử để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền (điểm e khoản 2 Điều 24 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân). Căn cứ vào kết quả xác minh, trả lời của các cơ quan hữu quan, Ủy ban bầu cử có thể quyết định xóa tên người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong danh sách chính thức những người ứng cử hoặc thực hiện việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nội dung cần thiết trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

Ban bầu cử chỉ giải quyết những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị mang tính kỹ thuật liên quan đến việc công bố, niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử (ví dụ như về thời điểm niêm yết, vị trí, cách thức niêm yết danh sách, các sai sót in ấn trong danh sách đã niêm yết….). Trong trường hợp công dân không đồng ý với giải quyết của Ban bầu cử thì Ủy ban bầu cử cấp tương ứng giải quyết; trình tự giải quyết được căn cứ vào nội dung vụ việc khiếu nại hay tố cáo.

3. Các tố cáo liên quan đến sai phạm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương, đến thành viên của Ủy ban bầu cử, đến các Ban bầu cử, Tổ bầu cử đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử chỉ xem xét, quyết định về các nội dung liên quan trực tiếp đến việc tổ chức bầu cử; việc xem xét, xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức có vi phạm được thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử bị xử lý như thế nào?

Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định rõ: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào quy định của Luật này, Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể 02 tội liên quan đến bầu cử gồm: 

- Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân (Điều 160):

“1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

- Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (Điều 161):

“1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tổ bầu cử ở đơn vị vũ trang nhân dân được thành lập như thế nào? Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung khu vực bỏ phiếu thì việc thành lập Tổ bầu cử được thực hiện như thế nào?

Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng thì chỉ huy đơn vị quyết định thành lập một Tổ bầu cử có từ 5 đến 9 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó. Danh sách Tổ bầu cử phải được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu vực bỏ phiếu đó và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đơn vị đóng quân.

Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương tổ chức chung thành một khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương, đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó.

Việc thành lập Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu riêng khác được thực hiện như thế nào?

Ngoài đơn vị vũ trang nhân dân (như đã nêu tại Câu 69), tại các khu vực bỏ phiếu riêng khác như bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện, trại tạm giam (quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân) thì việc thành lập Tổ bầu cử vẫn do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện như đối với các khu vực bỏ phiếu thông thường khác.

Người bị Tòa án kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo thì có được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử không?

Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri”. Như vậy, công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử (trong bản án không ghi hình phạt bị tước quyền bầu cử) vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú để tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Người bị kết án phạt tù nhưng được hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì có được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử không?

Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định như nêu trên thì những người bị kết án phạt tù nhưng được hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì không được tính là đang trong thời hạn chấp hành hình phạt tù và vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử.

Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn nào?

Trong việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Phụ trách công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu.

2. Bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu.

3. Nhận tài liệu và phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân từ các Ban bầu cử tương ứng; phát Thẻ cử tri, phiếu bầu cử có đóng dấu của Tổ bầu cử cho cử tri.

4. Thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử (tức là từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 22 tháng 5 năm 2021).

5. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử; nhận và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp và các khiếu nại, tố cáo khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổ bầu cử.

7. Kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để gửi đến các Ban bầu cử tương ứng.

8. Chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử và toàn bộ phiếu bầu cử đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu khi kết thúc việc kiểm phiếu.

9. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên.

10. Thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại tại khu vực bỏ phiếu (nếu có).

Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp?

Cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã khi thuộc các trường hợp sau đây:

- Cử tri là người thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu.

- Cử tri là người tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên.

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ đã làm thủ tục để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú.

- Người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc và đã làm thủ tục để được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú.

Quyền bầu cử của các cử tri có giống nhau hay không?

Tùy thuộc thời gian cư trú hoặc quan hệ gắn bó với địa phương nơi đăng ký tham gia bầu cử mà Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định từng nhóm đối tượng cử tri có phạm vi tham gia bầu cử không hoàn toàn giống nhau. Cụ thể là:

- Cử tri là người đăng ký thường trú tại khu vực bỏ phiếu và cử tri là người đăng ký tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đơn vị bỏ phiếu từ đủ 12 tháng trở lên thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (trừ nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hoặc nơi thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường).

- Cử tri là người đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng thì chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở nơi mình tạm trú nếu có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu tại nơi tạm trú.

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

                                                                                   Nguyễn Văn Đoàn (sưu tầm)
Phòng 8, VKSND tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây