LUẬT BIỂN VIỆT NAM RA ĐỜI, MỘT THÔNG ĐIỆP GỬI TỚI CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ
Thứ tư - 24/09/2014 21:09
Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.200 km, phần biển Việt Nam gấp 3 lần diện tích của đất liền, kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Năm 1994, nước ta đã phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trước đây, chúng ta đã có một số văn bản pháp luật quy định về một số khía cạnh liên quan đến Biển như: Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Nghị định số 30/CP của Chính phủ năm 1980 về quy chế cho các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển Việt Nam; Luật biên giới quốc gia năm 2003; Luật thủy sản năm 2003; Bộ luật Hàng hải năm 2005….Ngày 21/6/2012, Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, đã thể hiện thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta về Biển. Luật gồm 7 Chương, 55 Điều, được xây dựng với mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Luật cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới, qua đó tạo ra một hành lang pháp lý giúp chúng ta khẳng định và thực thi các chủ quyền của mình đối với biển đảo.
So với các văn bản pháp luật có nội dung liên quan thì Luật Biển Việt Nam năm 2012 có một số điểm mới quan trọng sau:
1. Luật biển Việt Nam quy định một cách đầy đủ hơn về phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với quy định tương ứng trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
2. Luật biển Việt Nam quy định rõ về quyền tự do hàng hải, hàng không trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
3. Luật biển Việt Nam quy định chi tiết về việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam. Với quy định này của Luật biển Việt Nam, ta đã bỏ quy định trước đây yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam.
4. Luật biển Việt Nam quy định các nguyên tắc lớn về giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước, hợp tác quốc tế về biển, quản lý và bảo vệ biển, phát triển kinh tế biển, tuần tra kiểm soát trên biển. Các quy định này một mặt khẳng định lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp về biển, đảo, đồng thời tạo khung pháp lý quan trọng để triển khai các công tác quản lý, bảo vệ biển và phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Việc Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo nước ta. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Với những nội dung khái quát Luật Biển Việt Nam xứng đáng là một bộ luật khung về các vấn đề biển của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý toàn diện và hiệu quả cho Việt Nam trong quản lý sử dụng vùng biển, hội nhập quốc tế về biển, giải quyết các tranh chấp vùng biển trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước luật biển 1982, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Luật biển Việt Nam 2012 có hiệu lực Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn Thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.