Bình Giang: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, đột phá năm 2021 của ngành Kiểm sát

Thứ tư - 29/12/2021 21:48

Bình Giang: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, đột phá năm 2021 của ngành Kiểm sát

Năm 2021, Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Kế hoạch của Viện KSND tỉnh Hải Dương về công tác kiểm sát đã xác định: Công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá năm 2021. Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, đột phá này, ngay từ đầu năm Viện KSND huyện Bình Giang đã xây dựng kế hoạch công tác kiểm sát, chương trình công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính với nội dung, giải pháp cụ thể và phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường cho công chức để thực hiện. Năm 2021, tổng số kiểm sát thụ lý giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính là 237 vụ việc (giảm 15% so với năm 2020); Kiểm sát giải quyết 207 vụ việc, trong đó: xét xử 40 vụ (tăng 48% so với năm 2020), mở phiên họp 01 việc,  công nhận sự thỏa thuận của các đương sự 97 vụ, đình chỉ 62 vụ, chuyển giải quyết theo thẩm quyền 04 vụ, tạm đình chỉ 04 vụ; Kiểm sát viên tham gia 100% phiên tòa, phiên họp. Qua hoạt động kiểm sát đã phát hành 02 kháng nghị (bằng năm 2020), đã xét xử chấp nhận 01 kháng nghị hủy án sơ thẩm để giải quyết lại, còn 01 vụ cấp phúc thẩm chưa xét xử; 26 yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ (tăng 100% so với năm 2020), 13 kiến nghị vi phạm đối với Tòa án (tăng 44% so với năm 2020), 4 kiến nghị phòng ngừa đối với các cơ quan hữu quan (tăng 100% so với năm 2020); các yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát được tiếp thu, thực hiện đạt tỷ lệ 100%; phối hợp với Tòa án tổ chức 12 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 200% so với năm 2020). Lãnh đạo đơn vị và Kiểm sát viên đã tích cực ôn luyện,  tham gia cuộc thi "Viết bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hành chính, dân sự có liên quan tới đất đai năm 2021" do Viện KSND tỉnh Hải Dương tổ chức, kết quả tập thể đạt giải Ba, 01 cá nhân đạt giải Nhất.

Để có được kết quả trên, Viện KSND huyện Bình Giang đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm sát giải quyết vụ hành chính, vụ việc dân sự, thực hiện tốt những biện pháp sau:

- Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Kế hoạch, chương trình công tác: Ngay từ đầu năm, trên cơ sở nội dung Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chỉ thị của cấp ủy địa phương, Kế hoạch của Viện KSND tỉnh về công tác kiểm sát năm 2021 và Hướng dẫn của phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh, Viện trưởng chỉ đạo việc xây dựng Kế hoạch công tác kiểm sát, Chương trình công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự kịp thời, đúng hạn và theo đúng chỉ đạo của cấp trên. Nội dung Kế hoạch, Chương trình đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu công tác và những biện pháp phù hợp để thực hiện. Viện trưởng phân công 01 đồng chí Phó Viện trưởng, 01 đồng chí Kiểm sát viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực này làm trưởng bộ phận để tham mưu Viện trưởng thực hiện. Việc phân công nhiệm vụ bảo đảm rõ giữa chức danh quản lý với chức danh tư pháp và có tính kế thừa để phát huy tác dụng tốt năng lực, kinh nghiệm nghiệp vụ của công chức.

Ảnh: Một buổi giao ban thường kỳ của đơn vị

- Nâng cao trách nhiệm của Viện trưởng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự: Tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND tối cao về việc Viện trưởng cấp huyện phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Gắn trách nhiệm của Viện trưởng trong việc kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; phải thận trọng, khách quan, làm đúng vai trò, trách nhiệm khi phê duyệt đường lối giải quyết vụ án. Khi xảy ra sai sót trong nghiệp vụ, Lãnh đạo viện phải nghiêm túc trong việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và dám chịu trách nhiệm.

Đối với những vụ án phức tạp, nhất là những vụ án liên quan đến đất đai (Như: Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử đất, Tranh chấp mốc giới sử dụng đất, Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất, Tranh chấp Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất, Tranh chấp chia thừa kế tài sản...) thì Viện trưởng trực tiếp nghe Kiểm sát viên báo cáo đề xuất trước khi tham gia phiên tòa và Viện trưởng trực tiếp nghiên cứu tài liệu, chứng cứ khi duyệt đề xuất của Kiểm sát viên. Đối với mỗi loại quan hệ tranh chấp, Viện trưởng định hướng nghiên cứu cho Kiểm sát viên (Vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì lưu ý đến hợp đồng chuyển nhượng, người có quyền chuyển nhượng, hợp đồng chuyển nhượng có được công chứng, chứng thực hợp pháp không, sau chuyển nhượng đã được đăng ký đất đai tại cơ quan có thẩm quyền chưa...; Vụ án về tranh chấp chia thừa kế là quyền sử dụng đất thì lưu ý đến thời hiệu, thời điểm chia thừa kế, nguồn gốc đất, xác định di sản chia thừa kế, xác định hàng thừa kế, có thừa kế thế vị không, việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, nếu có đương sự xuất trình di chúc thì phải xem xét tính hợp pháp của di chúc)... Qua nghe báo cáo, duyệt đề xuất của Kiểm sát viên, trên cơ sở trực tiếp nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, nếu thấy việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ hoặc có vi phạm tố tụng trong thu thập chứng cứ thì Viện trưởng chỉ đạo Kiểm sát viên phát hành văn bản yêu cầu Thẩm phán thu thập bổ sung chứng cứ, khắc phục vi phạm tố tụng trong thu thập chứng cứ. Nếu Thẩm phán không thực hiện thì kiên quyết phát hành kiến nghị hoặc thực hiện quyền kháng nghị nếu như thiếu tài liệu, chứng cứ đó làm cho đường lối giải quyết vụ án không chính xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức.

Đối với việc thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát: Viện trưởng trực tiếp duyệt đề xuất kháng nghị, kiến nghị, duyệt dự thảo kháng nghị, kiến nghị trước khi phát hành. Đối với những vụ án dự kiến kháng nghị, Viện trưởng trực tiếp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Phòng nghiệp vụ, Kiểm sát viên trung cấp phụ trách đơn vị để bảo đảm tính có căn cứ cũng như chất lượng kháng nghị, đồng thời để Phòng nghiệp vụ nắm và bảo vệ quan điểm kháng nghị của cấp huyện khi tham gia phiên tòa phúc thẩm.

- Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Tiếp tục quán triệt đến Kiểm sát viên các quy định của pháp luật, các quy chế, quy  định, hướng dẫn của ngành liên quan đến kiểm sát giải quyết vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, như: Bộ luật tố tụng dân sự; Bộ luật dân sự; Luật đất đai; Nghị quyết của HĐTP; Quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án (Quyết định 399 ngày 06/9/2019 của VKSNDTC); Quy định về hướng dẫn hoạt động của KSV tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm (Quyết định 458 ngày 04/10/2019 của VKSNDTC); Hướng dẫn 33 ngày 18/10/2019 hướng dẫn phát hiện vi phạm của bản án, quyết định dân sự, thực hiện thẩm quyền kháng nghị ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm...; Hướng dẫn 29 ngày 25/9/2020 của VKSNDTC về một số nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại; Hướng dẫn 20 ngày 23/02/2021 của VKSNDTC về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại; Hướng dẫn 31 ngày 25/8/2021 của VKSNDTC về kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp...; Hướng dẫn 32 ngày 26/8/2021 của VKSNDTC về một số nội dung trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà...Lãnh đạo viện tạo điều kiện để Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do ngành tổ chức. Khuyến khích các Kiểm sát viên nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên tích cực học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm.

Để giúp Kiểm sát viên nhận dạng vi phạm của Tòa án cũng như rút kinh nghiệm qua các vụ án hành chính, dân sự bị cấp trên hủy, sửa, Lãnh đạo viện trực tiếp nghiên cứu các Thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ của Viện KSND tối cao, Viện KSND cấp cao, Viện KSND tỉnh để tóm tắt nội dung vụ án, nội dung vi phạm và đưa ra quán triệt, thảo luận tại buổi giao ban định kỳ của đơn vị vào chiều thứ ba hàng tuần.

Nhằm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên nâng cao kỹ năng tham gia phiên tòa, tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, Lãnh đạo viện đã phối hợp với Lãnh đạo Tòa án huyện tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo đúng Hướng dẫn 32 ngày 30/11/2018 của VKSNDTC. Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thiết thực, có hiệu quả. Phiên tòa được lựa chọn để tổ chức rút kinh nghiệm phải ít nhất đạt được một trong các tiêu chí sau: Những vụ án phức tạp, có tính chất điển hình; những vụ án tranh chấp xảy ra phổ biến ở địa phương; những vụ án đa dạng người tham gia tố tụng hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự. Sau phiên tòa, Lãnh đạo viện chủ trì họp rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa về các nội dung: Về công tác chuẩn bị trước phiên tòa (Báo cáo đề xuất, đề cương hỏi, dự thảo bài phát biểu...); về áp dụng pháp luật; về kỹ năng đặt câu hỏi; kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý về tố tụng, nội dung (làm thay đổi một phần hoặc toàn bộ dự thảo bài phát biểu) xảy ra tại phiên tòa, bản lĩnh nghề nghiệp của Kiểm sát viên; về tác phong, trang phục của Kiểm sát viên...

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự

Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 ngày 06/8/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự (thay thế Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016). Xác định công tác kháng nghị là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự, kinh doanh thương mại. Để thực hiện tốt công tác kháng nghị, ngay sau phiên tòa Lãnh đạo viện chỉ đạo Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ thời hạn Tòa án gửi Bản án, gửi Thông báo kháng cáo cho Viện kiểm sát, nếu phát hiện vi phạm thời hạn gửi thì ban hành kiến nghị yêu cầu Tòa án chấm dứt, khắc phục vi phạm ngay. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải “nắm bắt” thái độ của đương sự đối với quyết định của bản án sơ thẩm. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu hồ sơ, kết quả hỏi tại phiên tòa, quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát và quyết định của bản án sơ thẩm, Kiểm sát viên “phán đoán” những nội dung của bản án sẽ bị đương sự kháng cáo. Trong trường hợp cần thiết, Lãnh đạo viện chỉ đạo Kiểm sát viên thực hiện thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo quy định tại khoản 6 Điều 97 BLTTDS, như: Yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu; xem xét hiện trạng tài sản tranh chấp như đo đạc kích thước thửa đất, nhà xây trên đất...(mời chính quyền địa phương, Trưởng thôn, đương sự tham gia buổi làm việc); lấy lời khai của đương sự để làm rõ nội dung kháng cáo...Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập, Kiểm sát viên đối chiếu đường lối  giải quyết vụ án của Viện kiểm sát với quyết định của bản án sơ thẩm để phát hiện vi phạm của bản án dẫn đến quyền lợi của đương sự không được bảo đảm, từ đó báo cáo đề xuất Lãnh đạo viện thực hiện quyền kháng nghị của Viện kiểm sát. Viện trưởng trực tiếp duyệt nội dung đề xuất kháng nghị của Kiểm sát viên và duyệt dự thảo kháng nghị trước khi ban hành. Kháng nghị phải đúng theo mẫu của Viện KSND tối cao.

- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quyền kiến nghị của Viện kiểm sát: Qua hoạt động kiểm sát Thông báo thụ lý vụ án, kiểm sát việc gửi các văn bản tố tụng, qua việc nghiên cứu hồ sơ tham gia phiên tòa, kiểm sát việc gửi bản án, Kiểm sát viên kịp thời phát hiện vi phạm của Tòa án để thực hiện quyền kiến nghị. Các vi phạm của Tòa án phải được cập nhật trong Sổ tích lũy vi phạm. Để bảo đảm chất lượng của kiến nghị, kiến nghị được Tòa án chấp nhận đạt và vượt tỷ lệ do Quốc hội và ngành giao, trước khi ban hành kiến nghị Kiểm sát viên phải tiến hành lập biên bản xác định vi phạm với Tòa án. Ngoài ra, qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, phải kịp thời phát hiện thiếu sót trong hoạt động quản lý để kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm. Viện trưởng trực tiếp duyệt nội dung đề xuất kiến nghị của Kiểm sát viên và duyệt dự thảo kiến nghị trước khi ban hành. Kiến nghị phải đúng theo mẫu của Viện KSND tối cao.

- Lãnh đạo Kiểm sát viên nâng cao trách nhiệm trước, trong và sau phiên tòa

Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để nắm chắc tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ; phải đánh giá tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, lập luận để đề xuất rõ đã đủ chứng cứ để giải quyết vụ án chưa? Nếu đã đủ chứng cứ để giải quyết vụ án thì lập luận để đề xuất rõ chấp nhận hay không chấp nhận các yêu cầu của đương sự? Kiểm sát viên chuẩn bị đề cương hỏi, dự thảo bài phát biểu, dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Để nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Lãnh đạo viện phải duyệt dự thảo bài phát biểu. Bài phát biểu phải thực hiện đúng mẫu của Viện VKSND tối cao. Ngoài việc đánh giá việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, thư ký, Hội đồng xét xử, bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phải nêu rõ quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án (Phân tích, đánh giá, nhận định về nội dung tranh chấp và các tình tiết của vụ án; đánh giá, nhận định về tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án;nêu rõ căn cứ pháp lý áp dụng để giải quyết vụ án; nêu rõ quan điểm về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự).

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa, chủ động hỏi để làm rõ những tình tiết của vụ án và để khắc phục thiếu sót trong việc hỏi của Hội đồng xét xử, kịp thời đưa những vấn đề mới phát sinh vào nội dung dự thảo bài phát biểu. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát biên bản phiên tòa theo Hướng dẫn 31 ngày 25/8/2021 của Viện KSND tối cao.

Sau phiên tòa, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ thời hạn Tòa án gửi bản án, Thông báo kháng cáo cho Viện kiểm sát; kiểm sát chặt chẽ nội dung bản án. Nếu phát hiện vi phạm thì báo cáo đề xuất Lãnh đạo viện xem xét để thực hiện kịp thời quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát.

                                                                                          Nguyễn Thị Hoa
VKSND huyện Bình Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây