Một số điểm mới của Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

Thứ hai - 20/12/2021 03:44

Ngày 3 tháng 11 năm 2021, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (sau đây gọi tắt là Quy định 41); Quy định 41 có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ (sau đây gọi tắt là Quy định 260).

Quy định 41 có 4 chương, 12 điều, so với Quy định 260 giảm 1 chương và 09 điều. Quy định 41 đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với cán bộ và siết chặt quản lý để thay thế những cán bộ hạn chế năng lực, có vi phạm, không đủ uy tín hoặc liên đới trách nhiệm… được áp dụng đối với trường hợp miễn nhiệm và từ chức, không quy định trường hợp cho thôi giữ chức vụ. Quy  định 41 có một số điểm mới cơ bản sau:

1. Về khái niệm: Theo Quy định 41 thì: “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”. Còn theo Quy định 260 thì: “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên”. Theo đó, Quy định 41 nêu khái quát hơn và không “gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây ra”, vì có những trường hợp do trách nhiệm liên đới, như trách nhiệm người đứng đầu.

Quy định 41 bỏ các khái niệm "thôi giữ chức vụ", "cấp có thẩm quyền", "tập thể lãnh đạo", "cơ quan tham mưu"; đồng thời bổ sung 2 khái niệm về "vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng" "vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng".

2. Về nguyên tắc: Quy định 41 quy định ngắn gọn hơn, thể hiện tính chủ động, kiên quyết hơn trong việc thực hiện miễn nhiệm và cho từ chức đối với cán bộ khi có căn cứ theo quy định, như tại khoản 3 Điều 3 của Quy định 41: "Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm".

3. Về căn cứ xem xét miễn nhiệm: Quy định 41 quy định 06 trường hợp miễn nhiệm, không chia thành nhóm, còn Quy định 260 trước đây có 08 trường hợp được chia thành 3 nhóm: "Cán bộ bị kỷ luật, cán bộ vi phạm pháp luật"; "Cán bộ không đủ năng lực, uy tín để làm việc"'; "Cán bộ bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ".

So với Quy định 260, các trường hợp phải miễn nhiệm theo Quy định 41 thể hiện tính nghiêm minh hơn và đảm bảo các yêu cầu của các nghị quyết, quy định, quy chế của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay, như: "Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm" (khoản 2 Điều 5), nhưng Quy định 260 quy định: "Trong một nhiệm kỳ hoặc hai nhiệm kỳ giữ chức vụ liên tiếp, bị hai lần xử lý kỷ luật liên quan đến chức trách được giao"; hoặc trường hợp "Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định" (khoản 3 Điều 5), hoặc trường hợp "Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác" (khoản 5 Điều 5).

Đối với trường hợp "Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm" (khoản 6 Điều 5) thể hiện rõ hơn tính chất, mức độ phải xử lý, tức là đến một mức độ nhất định mới cho miễn nhiệm chứ không phải bất kỳ trường hợp vi phạm nào, Quy định 260 trước đó không nêu cụ thể.

4. Về căn cứ xem xét từ chức: Quy định 41 quy định 4 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp liên quan đến trách nhiệm cá nhân; còn Quy định 260 cũng quy định 4 trường hợp nhưng chỉ có 2 trường hợp liên quan đến trách nhiệm cá nhân, còn 2 trường hợp liên quan đến yếu tố thay đổi vị trí công tác và nguyện vọng cá nhân. Theo Quy định 41, trừ trường hợp "vì lý do chính đáng khác của cá nhân", các trường hợp còn lại đều liên quan đến những hạn chế, khuyết điểm, trách nhiệm cá nhân trong công tác.

5. Về căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu: Quy định 41 đã bổ sung mới với Quy định 260 về "Căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu" (Điều 7), quy định này gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải liên đới chịu trách nhiệm, hậu quả về những vi phạm, hạn chế, khuyết điểm của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi mình quản lý.

6. Về quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức: Quy định 41 quy định quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức (tại Điều 8) đã quy định chung cho việc miễn nhiệm, từ chức với những mốc những mốc thời gian cụ thể, thể hiện tính quyết liệt, nhanh chóng: "Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định". Đồng thời quy định trách nhiệm đối với "cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc". Còn Quy định 260 trước đây quy định quy trình riêng cho từng trường hợp xem xét thôi giữ chức vụ; xem xét miễn nhiệm, từ chức thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan cán bộ đang công tác; xem xét miễn nhiệm, từ chức thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên" với thời gian quy định chung là 30 ngày làm việc.

Quy định 41 không quy định về quyền khiếu nại quyết định miễn nhiệm chức vụ của cán bộ, đây là điểm mới so với Quy định 260 trước đây.

7. Về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức: Quy định 41 việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức (Điều 10) phải theo yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cụ thể là "bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị", tuy nhiên nếu cán bộ sau khi từ chức nếu có tiến bộ, khắc phục được yếu kém, vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện thì có thể xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định./.

                                                                                 Nguyễn Mạnh Tuấn
Phòng 15 VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây