Các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Thứ ba - 27/09/2016 21:01
Chi bộ là tế bào của Đảng, là nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng đến với quần chúng, nhằm tuyên truyền, vận động, tập hợp, giáo dục, thuyết phục quần chúng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “chi bộ là gốc rễ của Đảng”“là cầu nối giữa Đảng và quần chúng”, “chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”. Sinh hoạt chi bộ là một chế độ đã được quy định trong Điều lệ Đảng, chi bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần hoặc sinh hoạt đột xuất khi cần. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chi bộ và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ.
Trong thời gian qua, Đảng ủy VKSND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đội ngũ bí thư chi bộ đều là cán bộ quản lý, có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, đây là nhân tố góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng như trong lãnh đạo của chi bộ. Kết quả các chi bộ đã lãnh đạo đơn vị hằng năm đều thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, thông qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn còn có hạn chế, như: còn có kỳ sinh hoạt chi bộ chưa đúng thời gian; chất lượng tổ chức sinh hoạt chuyên đề, việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với đảng viên có kỳ còn hạn chế; đảng viên chưa chủ động tích cực tham gia ý kiến xây dựng nghị quyết … những yếu tố đó làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ. Về nguyên nhân chủ yếu do: bí thư chi bộ kiêm nhiệm nên chưa dành thời gian cho công tác đảng một cách thỏa đáng, chưa có biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra đối với chi bộ có việc chưa kịp thời.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bảo đảm cho sinh hoạt của chi bộ đạt được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, cần thực hiện tốt các giải pháp như sau:
Một là, phải tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2008 của Ban Bí thư (khóa X) và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn sinh hoạt chi bộ. Đề án số 02-ĐA/ĐUK ngày 17-5-2011 của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2010 – 2015; Kết luận số 01-KL/ĐUK ngày 13-5-2016 của Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án số 01-ĐA/ĐUK ngày 19-7-2011 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên” và Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK ngày 10-01-2014 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ”; Kế hoạch số 70-KH/ĐU ngày 04-7-2016 của Đảng uỷ VKSND tỉnh để đảng viên trong chi bộ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc sinh hoạt chi bộ và xây dựng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ.
Hai là, trước kỳ sinh hoạt chi bộ, bí thư chi bộ phải chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt, đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sinh hoạt chi bộ. Về công tác công tác chuẩn bị cần lưu ý các vấn đề sau: (1) Nội dung thông tin về tình hình thời sự trong nước, quốc tế; phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, bí thư chi bộ phải nghiên cứu kỹ, nắm chắc nội dung có như vậy việc phổ biến, quán triệt mới có hiệu quả giúp cho các đảng viên nắm bắt được kịp thời, cũng như về các nhiệm vụ mà chi bộ, các đảng viên cần triển khai thực hiện ngay; (2) Về dự thảo xây dựng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ: phải kiểm điểm, đánh giá khách quan, tổng hợp được kết quả công tác lãnh đạo của tháng trước, những việc chưa thực hiện được, hoặc thực hiện chưa có hiệu quả, nguyên nhân, trách nhiệm; dự kiến nhiệm vụ trọng tâm công tác lãnh đạo, phân công nhiệm vụ cho đảng viên thực hiện tháng sau phải sát với chương trình công tác, với chức trách, nhiệm vụ của đơn vị, của các cá nhân; dự kiến những nội dung cần đưa ra bàn bạc thảo luận hoặc những nội dung các đảng viên có thể chất vấn đối với bí thư chi bộ để trả lời; (3) Về việc sinh hoạt chuyên đề, đồng chí bí thư nên chọn những nội dung: bàn về giải pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh hoặc nội dung trong công tác chuyên môn còn có hạn chế, hoặc có khó khăn, vướng mắc để đưa ra chi bộ sinh hoạt chuyên đề, thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng xây dựng nghị quyết để thực hiện; (4) Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chuyên đề hằng tháng: đồng chí bí thư chi bộ hoặc đảng viên khác được giao chuẩn bị nội dung phải nghiên cứu, nắm vững nội dung chuyên đề học tập, liên hệ với thực tiễn của chi bộ, đơn vị, của các đảng viên còn việc gì hạn chế, từ đó dự kiến những nội dung của tập thể cần làm theo, đồng thời định hướng được việc làm theo cho các cá nhân, việc làm theo phải cụ thể, sát với chức trách, nhiệm vụ của đơn vị, của từng cá nhân.
 Đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, làm cho mọi đảng viên nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ và của cấp ủy cấp trên; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.
Ba là, phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng. Để thực sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thì bí thư chi bộ phải rất linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; chủ trì các cuộc họp cần có tác phong cởi mở, chân thành, dân chủ, nhưng cần phải quyết đoán, có chính kiến rõ ràng. Trong thảo luận phải thật sự phát huy dân chủ, tạo được không khí đoàn kết, thẳng thắn để các đảng viên thể hiện hết ý kiến của mình, trước khi biểu quyết chung của chi bộ. Từ dự kiến công việc đến phân công công tác cho đảng viên phải được phân tích kỹ lưỡng, có lý, có tình và phải được thảo luận một cách dân chủ. Những ý kiến xây dựng, thẳng thắn, trung thực phải được tôn trọng và động viên, khuyến khích, tiếp thu một cách cầu thị. Cần bình tĩnh lắng nghe những ý kiến trái chiều và phải được thảo luận rất kỹ trong chi bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng phải bảo đảm quyền được bảo lưu của cá nhân. Kịp thời chấn chỉnh, phê phán những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, bảo thủ trong trao đổi, thảo luận. Đồng chí bí thư chi bộ lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến của đảng viên, trả lời những chất vấn của đảng viên, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên giám sát hoạt động của chi bộ, chi ủy. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo cấp ủy cấp trên và trả lời đảng viên trong lần sinh hoạt tiếp theo.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy có vai trò quan trọng đối với việc định hướng nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Các Đảng ủy viên được phân công phụ trách các chi bộ cần thường xuyên dự sinh hoạt với các chi bộ để động viên, khuyến khích, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của đảng viên, đồng thời cũng nắm chắc chất lượng hoạt động của chi bộ để báo cáo Đảng ủy chỉ đạo kịp thời.
Năm là, bí thư chi bộ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của chi bộ, kip thời uốn nắn, chấn chỉnh trong thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Có như vậy, nghị quyết của chi bộ mới thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, thực sự chi bộ là hạt nhân chính trị, lãnh đạo xây dựng chi bộ, đơn vị vững mạnh./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây