Một số giải pháp phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên tại Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

Thứ tư - 21/08/2019 05:33

Một số giải pháp phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên tại Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Chỉ thị, Quy định nhằm nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07-11-2006 về tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, … theo đó quy định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, thực hiện đầy đủ 7 nội dung về nêu gương: (1) về tư tưởng chính trị; (2) về đạo đức, lối sống, tác phong; (3) về tự phê bình và phê bình; (4) về quan hệ với nhân dân; (5) về trách nhiệm trong công tác; (6) về ý thức tổ chức kỷ luật; (7) về đoàn kết nội bộ; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên yêu cầu phải được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong công tác tại cơ quan, đơn vị, cũng như trong cuộc sống thường ngày, thực hiện nghiêm các việc cấm đối với cán bộ, đảng viên như lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt,... để ăn uống, “tiệc tùng”, tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi; việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm; việc tiếp các đoàn công tác đến làm việc ở các địa phương, cơ quan, đơn vị phải bảo đảm đúng chế độ lễ tân, chế độ công tác, không sa vào nghi lễ rình rang, tổ chức ăn uống, “chè chén” xa hoa, lãng phí.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đều yêu cầu phải đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đối với đảng viên, công chức ngành Kiểm sát Hải Dương việc thực hiện trách nhiệm nêu gương theo các chỉ thị, quy định của Đảng gắn liền với thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Trong những năm qua, Đảng ủy VKSND tỉnh Hải Dương đã bám sát kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, xây dựng kế hoạch thực hiện, thường xuyên tổ chức quán triệt để nâng cao nhận thức cho đội ngũ đảng viên, công chức; chỉ đạo làm bản đăng ký làm theo, bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phân đấu, bản đăng ký nêu gương sát với chức trách, nhiệm vụ; rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chế làm việc của Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, của chi bộ, Quy chế làm việc của VKSND tỉnh, của các đơn vị cấp phòng; thực hiện nghiêm túc việc phân công nhiệm vụ cho mỗi đảng viên, công chức, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm; xác định nhiệm vụ đột phá chung của VKSND tỉnh, nhiệm vụ đột phá của mỗi đơn vị cấp phòng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn; chỉ đạo mỗi cán bộ quản lý cấp phòng đăng ký thực hiện tốt nhất 1 việc theo chức trách, nhiệm vụ; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các Quy tắc ứng xử của cán bộ, Kiểm sát viên; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, thanh tra, kiểm tra của chính quyền; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, nhất là nguyên tắc tâp trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý…. Với những biện pháp như trên, đại đa số đội ngũ đảng viên, công chức VKSND tỉnh Hải Dương có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý đã gương mẫu, đi đầu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, đổi mới tác phong công tác, “nói đi đôi với làm”, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có phương pháp làm việc khoa học, có nhiều giải pháp, sáng kiến trong công tác...; nhiều tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác được cấp trên khen thưởng; những kết quả đó đã góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nhiệm vụ kế hoạch công tác hằng năm theo Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương; không để xảy ra oan, sai nghiêm trọng, không để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội hoặc đình chỉ do không phạm tội. Kết quả công tác của VKSND tỉnh đã góp phần cùng với các ngành, các cấp giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.


Ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2019 (trong đó có Chi bộ Tổ chức cán bộ, Đảng bộ VKSND tỉnh) (nguồn Cổng TTĐT tỉnh Hải Dương).

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên còn có hạn chế cần khắc phục, như: việc quản lý, giải quyết nguồn tin, việc giải quyết án có vụ chậm tiến độ, còn có án trả điều tra bổ sung có trách nhiệm của Kiểm sát viên; chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp có việc chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số chi bộ chất lượng chưa cao; việc tự phê bình, phê bình có đảng viên có lúc, có việc còn nể nang; công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến còn hạn chế.

 Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một số đảng viên, công chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chưa sâu sắc, đầy đủ; công tác chỉ đạo, điều hành có việc chưa quyết liệt; công tác phối hợp với các ngành trong thực hiện nhiệm vụ có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời.

Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thời gian tới:

Một là, các chi bộ, thủ trưởng đơn vị tiếp tục đẩy mạnh học tập, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, cần phải tiếp tục đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức học tập, tuyên truyền để mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện. Phát huy vai trò của chi bộ trong tổ chức thực hiện, trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và làm theo các nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên.

Hai là, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chi bộ, thủ trưởng đơn vị trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Người đứng đầu vừa phải có trách nhiệm nêu gương, đồng thời vừa phải chịu trách nhiệm phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong chi bộ, đơn vị mà mình lãnh đạo, phụ trách.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, thanh tra, kiểm tra của chính quyền trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và việc rèn luyện đạo đức, lối sống, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của ngành, của cơ quan, đơn vị. Việc kiểm tra, giám sát đối với đảng viên, công chức không chỉ trong mỗi công việc, ở công sở mà phải mọi lúc, mọi nơi, trong công tác cũng như trong sinh hoạt đời thường.

Bốn là, có biện pháp đổi mới để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy nơi đảng viên công tác với cấp ủy, chính quyền nơi đảng viên cư trú để quản lý đối với đảng viên, công chức. Nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của tổ chức chính trị - xã hội trong ngành ( Công đoàn cơ sở, Chi đoàn TNCSHCM) đối với các hoạt động của đảng viên, công chức.

Năm là, các chi bộ, thủ trưởng đơn vị chú trọng công tác bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa thành phong trào trong cơ quan đơn vị và xã hội. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tổ chức đảng và đoàn thể trong sạch vững mạnh./.

                                                                                                                         Nguyễn Mạnh Tuấn
Phòng 15 - VKSND tỉnh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây