Những việc cần làm khi thực hiện kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự phục vụ Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thứ tư - 03/02/2021 21:56

Bầu cử Quốc Hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra trong tháng 5/2021, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp ngành Kiểm sát tỉnh Hải Dương phải thực hiện tốt công tác kiểm sát phục vụ bầu cử, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Trước hết, để làm tốt thì mỗi kiếm sát viên, kiểm tra viên, mỗi đơn vị kiểm sát phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác này. Đó là bảo đảm quyền lợi chính trị quan trọng của mỗi công dân, trong đó có người bị tạm giữ, tạm giam và người đang thi hành án khi họ không bị cấm bầu cử. Người bị tạm giữ, tạm giam chỉ bị pháp luật hạn chế quyền tự do đi lại và thông tin, ngoài ra họ vẫn được bảo đảm các quyền công dân khác; Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo đảm những quyền đó của họ được thực hiện.

Từ nhận thức, dẫn đến việc tìm hiểu kỹ những quy định của pháp luật.

Theo Điều 29 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND năm 2015

-  Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này.

 (Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri)

-  Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ....

Do những quy định như vậy, nên các đơn vị kiểm sát cần phải thực hiện những nội dung sau:

Nắm chắc thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, thời điểm trước đó 24 giờ (gọi tắt là giờ KS);

Nắm chắc tình hình tạm giữ, tạm giam qua công tác kiểm sát tạm giữ hàng ngày, hàng tuần, qua việc tiếp nhận thông tin từ các bộ phận KSĐT, các Phòng làm công tác KSĐT;

Nếu thấy có người bị tạm giữ, tạm giam mới vào trước và trong thời điểm KS thì KSV cần báo cáo đề xuất VKS phát hành văn bản yêu cầu Trại tạm giam đề nghị Hội đồng bầu cử địa phương (nơi có Nhà tạm giữ) bổ sung những người đó vào danh sách cử tri hoặc yêu cầu Nhà tạm giữ đề nghị Hội đồng bầu cử địa phương bổ sung những người đó vào danh sách cử tri; đồng thời yêu cầu Trại tạm giam, Nhà tạm giữ phải có văn bản thông báo về HĐBC địa phương nơi người đó cư trú để xóa tên họ khỏi danh sách cử tri.

Ngược lại, nếu người bị tạm giữ, tạm giam mới được tại ngoại trước và trong thời điểm KS thì cũng yêu cầu Trại tạm giam, Nhà tạm giữ phải có văn bản thông báo về HĐBC địa phương nơi người đó cư trú để bổ sung tên họ vào danh sách cử tri.

Đồng thời đề nghị xóa tên họ khỏi danh sách cử tri của Trại tạm giam hoặc của địa phương (nơi có Nhà tạm giữ). (Riêng những người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu nhận được quyết định thi hành hình phạt tù, phải chấp hành hình phạt tù thì đề nghị xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri do HĐBC Trại tạm giam phát ).

Đối với VKSND cấp huyện trước thời điểm KS cần nắm tình hình về việc những người đang thi hành tại địa phương (án treo, cải tạo không giam giữ, tha tù thời hạn có điều kiện, hoãn, tạm đình chỉ thi hành án..) có được đưa vào danh sách cử tri không? Nếu không thì kịp thời có văn bản yêu cầu đưa vào. 

VKSND cấp huyện phối hợp với Tòa án cùng cấp nắm chắc những bản án mới có hiệu lực pháp luật để xác định người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử đề nghị thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Trong thời gian tiến hành bầu cử, các KSV phải có mặt tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ để kiểm sát việc thực hiện quyền bầu cử của những người đang bị Trại tạm giam, Nhà tạm giữ cần nắm chắc quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND năm 2015, quy định: "Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, ......không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ".

Ngoài những hoạt động trên, công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam cũng phải được tăng cường để bảo đảm kiểm sát chặt việc tạm giữ, tạm giam đối với những người có hành vi hoặc hành động khác chống phá cuộc bầu cử; kiểm sát chặt việc thi hành tạm giữ, tạm giam góp phần không để xảy ra các vụ việc vi phạm gây phức tạp cho tình hình trật tự, an ninh xã hội.

                                                                                   Nguyễn Văn Đoàn - Phòng 8, VKSND tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây