Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho Thanh niê

Thứ ba - 07/01/2020 23:04

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng  cho Thanh niê

Khi còn trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hoạt động rất sôi nổi trong các phong trào thanh niên, Người từng tham gia đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản và là người trực tiếp sáng lập, lãnh đạo các tổ chức thanh niên tiến bộ nước ta. Chính vì vậy, Người đã nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về vị trí, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, qua đó Người định hướng công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên. Người khẳng định thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc và hơn thế nữa, “thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” . Thanh niên cũng là “lớp người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai, tức là các cháu nhi đồng". Để làm tròn sứ mệnh cao cả và vẻ vang ấy, thanh niên phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, trước hết phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người xác định mục đích của việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên là để giúp họ phấn đấu trở thành những lớp người vừa có đức vừa có tài, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. 

Hồ Chí Minh yêu cầu thế hệ thanh niên “phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể…ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà” và “các sự khó nhọc thì mình làm truớc người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước. Các việc đáng làm, thì khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được. Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc. Quyết tâm làm gương về mặt: Siêng năng, tiết kiệm, trong sạch. Chớ kiêu ngạo tự mãn…”.

Để thực hiện khẩu hiệu “đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho mỗi thanh niên phương hướng hành động để từ đó có một hướng đi đúng đắn, sát với thực tiễn. Thanh niên đã làm được rất nhiều điều quan trọng cho Tổ quốc, nhưng “chớ vì thế mà tự cao, tự đại, phải khiêm tốn, luôn luôn cố gắng hơn mới vượt qua mọi khó khăn để giành lấy thành tích nhiều hơn và lớn hơn”. Người nhấn mạnh: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt..., phải xung phong đến những nơi khó khăn để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quẩn chúng chứ không phải là xa rời quần chúng”. Đồng thời, Người phê phán mạnh mẽ những thanh niên chỉ bo bo nghĩ đến lợi ích riêng mình, tự tư, tự lợi, tham lam vật chất, ham sung sướng, tránh khó nhọc, lười biếng, coi thường lao động, xa xỉ, kiêu ngạo…Thanh niên bao giờ cũng có nhiều ham muốn, nhưng nếu ham muốn chỉ hướng vảo những dục vọng tầm thường thì sẽ làm cho thanh niên sống không có mục đích đúng đắn. Người yêu cầu thanh niên phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống lười biếng, lãng phí, tham lam...


Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh nhắc nhở thanh niên khi giải quyết mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi thì bao giờ cũng phải chú ý đến nghĩa vụ trước. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã làm cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào". Khi làm bất cứ việc gì thanh niên cũng đừng nghĩ đến mình trước mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân trước. Người đã từng phân tích và căn dặn thanh niên rằng huy hiệu của thanh niên ta là tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên; ý nghĩa của nó là thanh niên phải xung phong gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong rèn luyện đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong cuộc kháng chiến và kiến quốc. 

Trong xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên, Người nhấn mạnh phải chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, thanh niên phải dũng cảm lên án và từ bỏ mọi thói hư tật xấu như lười biếng, suy bì, kèn cựa, tham ô, lãng phí... Người khẳng định: “chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, từ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Để chống chủ nghĩa cá nhân, Người luôn căn dặn thanh niên phải thật thà, ngay thẳng, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải làm những việc ích nước lợi dân, phải thương yêu, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ... Để giáo dục thanh niên biết hành động, theo Hồ Chí Minh phải giúp họ xác định phương hướng đúng, nội dung phải cụ thể, tinh thần phải hăng hái tự giác. 

Con đường hình thành đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là con đường giáo dục, rèn luyện, kết hợp tự giáo dục, tự rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn. Mỗi cá nhân phải biết rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Mặt khác, theo Hồ Chí Minh, đạo đức của con người phần nhiều do giáo dục mà nên. Do đó, phải kết hợp việc giáo dục của các tổ chức với việc phát huy cao độ vai trò tự rèn luyện của thanh niên. 

Trong sự nghiệp đổi mới, bên cạnh những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực, chúng ta vẫn phải đối diện với những mặt trái của cơ chế thị trường, của “thời đại công nghệ 4.0”, mạng xã hội… và điều đáng quan tâm đó là sự suy thoái về  tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận đoàn viên, thanh niên do không tự làm chủ được bản thân, không chịu khó trau dồi và tu dưỡng đã đã làm ảnh hưởng xấu đến vị trí, vai trò của người thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước thực trạng đó, Đảng ta đã xác định những tiêu chuẩn chung về đạo đức cách mạng của người đoàn viên, thanh niên trong tình hình mới, đó là: “có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần, kiệm, liêm,chính, chí công vô tư; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng… Có trình độ văn hóa, chuyên môn đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao...”. Để thực hiện tốt những yêu cầu trên, đoàn viên, thanh niên chúng ta phải ra sức học tập, nắm vững tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, vận dụng những tư tưởng đó một cách đúng đắn, sáng tạo trong cuộc sống và công tác. Có như vậy, thanh niên mới thực sự xứng đáng là “người chủ tương lai của nước nhà” như Bác Hồ hằng mong muốn.

* Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng thanh, thiếu niên và nhi đồng, Nxb Lao động – xã hội, năm 2001.

2.Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương xuất bản.

                                                                                                                 Nguyễn Thị Thanh Thiện   
VKSND thành phố Chí Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây