- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định đương sự có quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, đồng thời cũng quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn, quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và trường hợp thay đổi địa vị tố tụng. Qua công tác thực tiễn áp dụng pháp luật và công tác xét xử các vụ án dân sự, thấy có việc áp dụng chưa đúng nên cần nêu ra để rút kinh nghiệm chung, cụ thể:
Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Ngày 15/10/2015 Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thành Đông (viết tắt là BIDV Thành Đông) và vợ chồng bà H ký hợp đồng tín dụng với nội dung BIDV Thành Đông cho vợ chồng bà H vay số tiền 1.300.000.000 đồng mục đích vay để vợ chồng bà H thanh toán tiền mua ngôi nhà số 72B An Ninh, TP Hải Dương; thời hạn vay 11 tháng kể từ ngày vợ chồng bà H rút vốn đầu tiên trong thời hạn rút vốn là 30 ngày kể từ ngày Hợp đồng tín dụng có hiệu lực; lãi suất cho vay là 9,5%/năm. Để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng nêu trên, ngày 15/10/2015 hai bên đã ký kết hợp đồng thế chấp bất động sản với giá trị tài sản bảo đảm là 1.940.000.000 đồng (có công chứng). Bên thế chấp và bên nhận thế chấp đã đăng ký thế chấp tài sản thế chấp là quyền sử dụng thửa đất số Lô 05 dãy LK 15, tờ bản đồ số 00, diện tích 100m2 tại địa chỉ số 121 Vũ Văn Dũng, phường Bình Hàn (nay thuộc phường Quang Trung), TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND TP Hải Dương cấp ngày 03/10/2005 mà không đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản gắn liền với đất vì ngôi nhà trên đất chưa đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, ngày 20/10/2015 vợ chồng bà H đã rút vốn vay là số tiền 1.300.000.000 đồng và thời hạn cuối cùng trả nợ là ngày 20/9/2016. Đến ngày 20/9/2016 vợ chồng bà H chưa thanh toán nợ cho BIDV Thành Đông. Vì vậy BIDV Việt Nam (nguyên đơn) đề nghị Tòa án giải quyết buộc vợ chồng bà H (bị đơn) phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán trả cho BIDV khoản tiền nợ gốc và lãi là 1.999.195.834 đồng.Trường hợp vợ chồng bà H không trả hoặc trả không hết các khoản nợ gốc và lãi thì BIDV được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền kê biên, phát mại toàn toàn bộ tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để thu hồi nợ.
Phía Bị đơn đồng ý với yêu cầu khởi kiện của BIDV Việt Nam về việc yêu cầu thanh toán khoản nợ gốc cùng lãi suất trong hạn, lãi suất quá hạn tính trên nợ gốc sau khi điều chỉnh tính đến ngày xét xử là 1.999.195.834 đồng và bị đơn sẽ có trách nhiệm thanh toán trả cho BIDV số tiền này. Trường hợp không trả được nợ thì phía bị đơn đồng ý để BIDV Thành Đông thực hiện quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền kê biên, bán phát mại tài sản đã thế chấp theo hợp đồng thế chấp bao gồm cả quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất để thu hồi toàn bộ số tiền gốc, lãi còn nợ và nợ lãi phát sinh sau ngày xét xử.
Quá trình giải quyết vụ án, ông N là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đề nghị Tòa án tuyên bố Hợp đồng thế chấp bất động sản ngày 15/10/2015 giữa vợ chồng bà H và BIDV Thành Đông vô hiệu, ông không đồng ý việc phát mại tài sản là ngôi nhà này. Ông N xác định ông và bà H có lập Hợp đồng góp vốn, theo đó: Bà H góp vốn là quyền sử dụng thửa đất số Lô 05 dãy LK 15, tờ bản đồ số 00, diện tích 100m2 tại địa chỉ số 121 Vũ Văn Dũng, TP Hải Dương với giá trị hai bên xác định tại thời điểm góp vốn là 400.000.000 đồng, còn ông N góp vốn bằng việc bỏ tiền ra đầu tư xây dựng một công trình nhà trên đất với quy mô 4 tầng 15 phòng để hai bên tiến hành kinh doanh nhà nghỉ chung, thời hạn các bên góp vốn là 10 năm. Trường hợp trong quá trình kinh doanh mà một bên xin rút vốn hoặc cả hai cùng nhất trí không tham gia tiếp tục kinh doanh chung hoặc hết hạn hợp đồng mà không kinh doanh chung thì toàn bộ nhà, đất và tài sản khác có trong thời gian kinh doanh hai bên sẽ bàn bạc thống nhất định giá theo giá thị trường tại thời điểm chấm dứt. Tổng giá trị được quy bằng tiền Việt Nam, được chia theo tỉ lệ góp vốn ban đầu của mỗi bên, bên nào nhận cả nhà và đất thì trả cho bên kia bằng tiền theo giá trị tương đương theo tỉ lệ vốn góp hoặc các bên sẽ bán để lấy tiền phân chia theo tỉ lệ góp vốn ban đầu. Quá trình thực hiện hợp đồng góp vốn đến ngày 30/3/2007 giữa ông và bà Hồng đã thống nhất lập biên bản quyết toán xây dựng công trình trên đất, theo đó số tiền ông N đã đầu tư góp vốn để xây dựng ngôi nhà và mua sắm trang thiết bị là 1.014.502.000 đồng. Ông N có yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án công nhận hợp đồng góp vốn và yêu cầu phân chia giá trị khối tài sản chung giữa các cá nhân góp vốn sau đó ông rút yêu cầu này.
Đối với yêu cầu độc lập của ông N, bà H không nhất trí và cho rằng ngôi nhà trên đất là tài sản của vợ chồng bà, việc bà H ký kết hợp đồng góp vốn và biên bản quyết toán công trình xây dựng với ông N là do muốn xây dựng nhà nghỉ để kinh doanh trong khi không quen biết thủ tục với các cơ quan nhà nước nên phải nhờ ông N giúp đỡ. Vì tin tưởng nên bà H đã làm theo các yêu cầu của ông N và khi ký Hợp đồng cũng như biên bản quyết toán là do ông N soạn sẵn đưa cho và bà H đã ký mà không xem xét nội dung. Đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng góp vốn vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.
Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định: Vợ chồng bà H phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho BIDV Việt Nam khoản vay theo hợp đồng tín dụng và lãi suất theo hợp đồng là 1.999.195.834 đồng. Đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập đối với yêu cầu công nhận hợp đồng góp vốn và yêu cầu phân chia giá trị khối tài sản chung giữa các cá nhân góp vốn của người yêu cầu là ông N. Các đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, vợ chồng bà H không thực hiện thanh toán toàn bộ số tiền gốc, lãi suất đối với khoản vay nêu trên thì BIDV Việt Nam có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền tiến hành phát mại tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ. Trong trường hợp phát mại tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nêu trên thì BIDV Việt Nam phải thanh toán trả ông N toàn bộ giá trị ngôi nhà. Ông N được quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất này theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Hình ảnh một phiên tòa phúc thẩm (ảnh minh họa)
Bà N không đồng ý với việc xét xử của cấp sơ thẩm nên kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giải quyết phân chia tài sản là ngôi nhà trên đất. Căn cứ vào hồ sơ vụ án thấy rằng, ở cấp sơ thẩm ông N có yêu cầu độc lập là đề nghị công nhận hợp đồng góp vốn và yêu cầu phân chia giá trị khối tài sản chung giữa các cá nhân góp vốn sau đó rút yêu cầu. Bà H có đơn đề nghị Tòa án xem xét giải quyết tuyên bố hợp đồng góp vốn vô hiệu vì ngôi nhà là tài sản của vợ chồng ông bà và vẫn giữ nguyên đề nghị giải quyết trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Như vậy ở cấp sơ thẩm các bên đều có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp tài sản là ngôi nhà trên thửa đất là tài sản thế chấp theo hợp đồng thế chấp giữa BIDV Thành Đông và vợ chồng bà H (người có quyền lợi liên quan có yêu cầu độc lập đối với bị đơn). Theo quy định tại Điều 202 BLTTDS thì thủ tục yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Như vậy, khi ông N rút yêu cầu của mình, bà H vẫn đề nghị giải quyết nội dung này thì Tòa án vẫn phải giải quyết và thay đổi địa vị tố tụng theo quy định tại Điều 217, Điều 245 BLTTDS. Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết yêu cầu của ông N và tuyên đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vi phạm này cấp phúc thẩm không khắc phục được nên đã phải hủy một phần bản án sơ thẩm về nội dung liên quan đến hợp đồng thế chấp tài sản để cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.
Phạm Thị Quyên Phòng 9 VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.