Kinh nghiệm hay trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính
Thứ ba - 12/08/2014 21:05
Trong lĩnh vực giải quyết các vụ án hành chính, Viện kiểm sát đóng vai trò rất quan trọng bởi tranh chấp hành chính là tranh chấp giữa cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước với cá nhân, cơ quan, tổ chức. Do vậy, sự tham gia của Viện kiểm sát trong Tố tụng Hành chính để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, sự công bằng, bình đẳng, sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể là rất cần thiết.
Để kiểm sát tốt hoạt động tư pháp trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật, các cán bộ, kiểm sát viên cần nắm vững một số kỹ năng quan trọng sau:
1. Kiểm sát việc thụ lý
- Xem xét đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính hay hành vi hành chính. Về Quyết định hành chính gồm có: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy khai sinh….Về hành vi hành chính hành chính gồm có:
Hành vi vi phạm về hồ sơ và cắm mốc giới hành chính; Hành vi vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hành vi vi phạm về giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; Hành vi vi phạm quy định về thu hồi đất….
- Xem xét đơn kiện để xác định người khởi kiện có quyền khởi kiện, đủ điều kiện khởi kiện theo Điều 103 Luật TTHC .
- Thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Kiểm sát viên căn cứ vào các quy định tại Điều 28 Luật TTHC để xác định vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không.
- Xác định thời hiệu khởi kiện: Căn cứ vào Điều 104 của Luật TTHC, Kiểm sát viên phải xem xét thời hiệu khởi kiện còn hay hết.
2. Kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án hành chính
- Kiểm tra xác định tính hợp pháp, kịp thời, đầy đủ, khách quan trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ xác minh, lập hồ sơ của Toà án
- Ở thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, hoạt động kiểm sát lập hồ sơ vụ án phài tập trung làm rõ những nội dung quyết định của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị; những tài liệu, chứng cứ có liên quan do Toà án đã giải quyết vụ án dùng làm căn cứ để nhận định, phán quyết và những tài liệu chứng cứ mới bổ sung sau kháng cáo, kháng nghị.
3.Kiểm sát bản án, quyết định
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng, đòi hỏi kiểm sát viên cần lưu ý những nội dung sau:
- Xem xét sự hợp pháp trong thẩm quyền ban hành quyết định hành chính:
Người bị kiện ban hành quyết định hành chính bị khởi kiện trong vụ án hành chính có đúng thẩm quyền luật định không.
- Về thời hiệu của quyết định hành chính bị khởi kiện:
Khi đánh giá tính hợp pháp về thời hiệu của quyết định hành chính bị khởi kiện cần áp dụng quy định của pháp luật về thời hiệu đối với quyết định hành chính đó và đối chiếu với thời điểm ban hành quyết định hành chính của người bị kiện, để xác định tính hợp pháp về thời hiệu của quyết định hành chính bị khởi kiện chính xác.
- Xem xét thời hạn ban hành quyết định hành chính;
- Xem xét về nội dung của quyết định hành chính bị khởi kiện;
- Xem xét về trình tự thủ tục ban hành của quyết định hành chính;
- Xem xét về tính hợp pháp của hành vi hành chính bị khởi kiện;
4. Những dạng vi phạm để kháng nghị:
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng gồm: Vi phạm quy định về những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi người tiến hành tố tụng; Xét xử sai thẩm quyền; Xác định không đúng, chưa đầy đủ các đương sự của vụ án hành chính dẫn đến việc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Xét xử vắng mặt đương sự, vắng mặt kiểm sát viên trong những trường hợp luật quy định họ phải có mặt tại phiên tòa và quyết định của HĐXX gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Xác định sai tư cách tham gia tố tụng.
- Phần quyết định trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án
- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật: thể hiện ở việc Tòa án áp dụng các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước làm cơ sở cho việc ra bản án, quyết định không phù hợp.
Trên đây là những nghiên cứu và kinh nghiệm của tôi đúc rút được trong thời gian công tác tại phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật, xin trao đổi để các đồng chí cùng nghiên cứu và tham khảo.