Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa
Thứ hai - 13/07/2015 04:05
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về "Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới" nhấn mạnh: "Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng...". Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" tiếp tục nhấn mạnh "Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng trang tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp". Thực hiện chủ trương này, cũng như Chỉ thị công tác kiểm sát của Viện trưởng VKSND tối cao, Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về nhiệm vụ công tác của VKSND tỉnh Hải Dương hàng năm, từ năm 2010 đến nay, Kế hoạch công tác của VKSND tỉnh Hải Dương đều xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (THQCT và KSXXHS) là "Nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa", đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Chính vì vậy, chất lượng công tác THQCT và KSXXHS, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của KSV ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Các giải pháp được đưa ra thực hiện bao gồm:
Năm 2010, Lãnh đạo VKSND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Phòng 3 làm đầu mối, tham mưu cho Lãnh đạo Viện và phối hợp với các phòng THQCT và KSXX sơ thẩm án hình sự, các Viện kiểm sát cấp huyện tổ chức các phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp ( gọi tắt là phiên tòa mẫu) để cán bộ, KSV hai cấp tham dự, rút kinh nghiệm học tập. Từ năm 2011 đến nay, hàng năm, VKSND tỉnh đều đặt ra chỉ tiêu: mỗi KSV THQCT và KSXX ít nhất 1 phiên toà để rút kinh nghiệm, trong đó mỗi đơn vị tổ chức được ít nhất 2 phiên toà rút kinh nghiệm mở rộng có Lãnh đạo VKSND tỉnh, các phòng nghiệp vụ - VKSND tỉnh và một số VKSND cấp huyện tham dự học tập rút kinh nghiệm. Đặc biệt ngày 29/5/2015 VKSND tỉnh đã áp dụng công nghệ thông tin truyền trực tuyến tới 12 điểm cầu trong toàn tỉnh phiên tòa xét xử vụ án Giết người để cho Lãnh đạo, cán bộ, KSV trong toàn ngành theo dõi, học tập, rút kinh nghiệm. Tổng cộng, từ năm 2010 đến tháng 6/2015 hai cấp kiểm sát đã tổ chức được tổng số 302 phiên tòa mẫu, phiên tòa rút kinh nghiệm với hơn 1000 lượt cán bộ, KSV tham dự. Sau mỗi phiên tòa đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, sau đó lựa chọn những kinh nghiệm điển hình đưa vào các thông báo rút kinh nghiệm, các báo cáo chuyên đề, đưa ra thảo luận tại các hội nghị chuyên đề. Qua đó nhân rộng những điểm tích cực, những mặt tốt của KSV trong công tác THQCT và KSXXST, trong đó có việc tranh tụng tại phiên tòa hình sự, và đưa ra các giải pháp để khắc phục những mặt còn hạn chế.
Tháng 5/2012 VKSND tỉnh tổ chức tuyển KSV giỏi, tháng 5/2013 tổ chức thi nâng cao chất lượng xây dựng bản Luận tội, tháng 5/2014, tháng 5/2015 tổ chức hai đợt thi kiểm sát viên giỏi nhằm chọn ra và khen thưởng đối với những KSV giỏi, trong đó có KSV làm tốt việc xây dựng luận tội, việc tranh tụng tại phiên tòa.
Từ tháng 8/2013, VKSND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác THQCT và KSXX án hình sự và Tổ giúp việc để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp đã đưa ra và tham dự các phiên tòa rút kinh nghiệm; xây dựng bảng chấm điểm cho KSV, đơn vị trong việc tổ chức và thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm, đồng thời ban hành qui định về việc khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc về công tác này. VKSND tỉnh Hải Dương đã tiến hành lấy ý kiến toàn ngành xây dựng Mẫu Bút ký phiên tòa sơ thẩm hình sự, sau đó đã hướng dẫn toàn ngành áp dụng theo mẫu đó để tất cả các KSV khi THQCT và KSXXSTHS đều viết bút ký theo một mẫu thống nhất, phản ánh đầy đủ diễn biến tại phiên tòa, nhất là hoạt động của KSV. Qua đó, Lãnh đạo các đơn vị nắm bắt được hoạt động tranh tụng và kết quả của KSV tại phiên tòa để rút kinh nghiệm.
Tháng 3/2014, VKSND tỉnh đã phối hợp với TAND tỉnh xây dựng quy chế phối hợp trong việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa lưu động, giúp cho hoạt động này của hai cấp làm án hình sự đi vào nề nếp. Đã tổ chức lấy ý kiến tham gia hoàn chỉnh Qui trình công tác THQCT và KSXXSTHS ( giải pháp công tác của Phòng 3), sau đó quyết định ban hành áp dụng cho toàn ngành nhằm bảo đảm cho mỗi KSV nhận nhiệm vụ THQCT và KSXXHS tại phiên tòa sơ thẩm biết rõ phải làm những gì, cụ thể thế nào, xử lý tình huống ra sao bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngoài ra, VKSND tỉnh còn đưa ra nhều giải pháp khác nhằm nâng cao trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ của lãnh đạo viện, cán bộ quản lý, KSV trong công tác THQCT và KSXXHS, trong đó tập trung nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Điều đó thể hiện rõ ở việc hầu hết KSV đã chuẩn tốt Đề cương xét hỏi, dự kiến tranh luận, dự thảo Luận tội. Đó là cơ sở quan trọng bảo đảm việc tranh tụng tốt tại phiên tòa.
Trên cơ sở áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp nên công tác THQCT, KSXX HS đã đạt được hiệu quả nhất định. Từ năm 2010 đến tháng 6/2015 hai cấp kiểm sát đã THQCT và KSXXHS tổng số 4.191vụ/ 7.768 bị cáo, trong đó có hàng trăm vụ có Luật sư tham gia tố tụng, nhiều vụ án rất phức tạp nhưng KSV hai cấp đã cơ bản làm tốt công tác THQCT và KSXXSTHS. Không có vụ án nào Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội. Vi phạm trong hoạt động xét xử đã được hạn chế, được phát hiện, kháng nghị, kiến nghị kịp thời. KSV đã tích cực tham gia xét hỏi, chủ động đối đáp tranh luận để xác định rõ sự thật khách qua vụ án, bảo vệ được quan điểm của VKS. Không còn tình trạng KSV không tham gia tranh luận hoặc chỉ nói giữ nguyên quan điểm như những năm trước đây. Luận tội, cũng như đối đáp tranh luận của KSV không những có đủ căn cứ mà còn có tính giáo dục, thuyết phục cao, góp phần phòng ngừa tội phạm, nâng cao vị thế của VKSND trong xã hội.
Trong 5 năm qua chất lượng công tác THQCT và KSXXHS, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của KSV hai cấp VKSND tỉnh Hải Dương đã được nâng lên một bước. Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới VKSND tỉnh Hải Dương tiếp tục đưa ra các giải pháp mới, đổi mới công tác tranh tụng, thực hiện tốt Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức VKSND năm 2014, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.